Singapore dọa hủy vụ sáp nhập Grab-Uber
Cơ quan chức năng Singapore cho rằng vụ sáp nhập Grab-Uber có thể phải bị hủy vì làm giảm cạnh tranh
Cơ quan cạnh tranh của Singapore ngày 5/7 đề xuất phạt Uber và Grab, đồng thời tuyên bố hai công ty ứng dụng gọi xe này có thể phải từ bỏ vụ sáp nhập vì việc "về chung một nhà" của họ bị đánh giá là "giảm mạnh sự cạnh tranh" trên thị trường.
Hồi tháng 3, Uber bán lại hoạt động tại thị trường Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Theo đó, Uber sẽ nắm cổ phần 27,5% trong Grab và Giám đốc điều hành (CEO) của Uber là ông Dara Khosrowshahi trở thành một thành viên Hội đồng Quản trị của Grab.
Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã bày tỏ lo ngại về vụ sáp nhập này, cho rằng vụ sáp nhập làm cạnh tranh suy giảm và dẫn tới tăng giá cước. CCCS nói cả Grab và Uber đều không báo trước cho nhà chức trách về vụ sáp nhập cho dù cả hai đều lường trước được việc có thể sẽ có một số vấn đề về chống cạnh tranh.
Tuyên bố của CCCS được hãng tin CNBC trích dẫn nói vụ sáp nhập khiến rào cản gia nhập thị trường cho các đối thủ mới trở nên cao hơn, đồng thời có thể dẫn tới tình trạng suy giảm sáng tạo và chất lượng sản phẩm đi xuống. Với đánh giá này, CCCS kết luật Uber và Grab có thể bị phạt và vụ sáp nhập của hai bên có thể bị đảo ngược.
"CCCS có thể yêu cầu hai bên từ bỏ thỏa thuận sáp nhập trừ phi việc tham vấn công chúng khẳng định rằng các biện pháp khắc phục được đề xuất, và các biện pháp bổ sung nếu có, là đủ để giải quyết những mối lo về cạnh tranh đã được xác định, và các biện pháp này được thực thi", tuyên bố viết.
Những biện pháp khắc phục mà CCCS đề cập bao gồm yêu cầu Uber bán lại Lion City Rentals - chi nhánh cho thuê xe tại Singapore - cho một đối thủ cạnh tranh khác, và Grab phải loại bỏ bất kỳ sự độc quyền nào mà Grab có với các công ty taxi khác. Chẳng hạn, một số tài xế làm việc cho các công ty khác chỉ được nhận cuốc xe từ Grab chứ không được nhận cuốc xe từ các đối thủ cạnh tranh với Grab.
Uber và Grab được cho 15 ngày làm việc để trình đề xuất giải pháp lên CCCS.
Grab nói không đồng tình với phân tích của CCCS và sẽ kháng cáo quyết định này. "CCCS có vẻ như đã có một cách tiếp cận rất hẹp hòi trong định nghĩa về cạnh tranh", một phát ngôn viên của Grab nói với CNBC, đồng thời cho rằng giải pháp mà CCCS đề ra là "vượt quá tầm tay" và chống lại nền kinh tế thân thiện với sáng tạo của Singapore.