16:22 25/10/2017

Singapore tuyên bố không quản lý tiền ảo

Kim Tuyến

Tuy nhiên, nước này sẽ hợp thức hóa quy định chống rửa tiền đối với giao dịch tiền ảo.

Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - Ảnh: Bloomberg.
Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - Ảnh: Bloomberg.

Singapore sẽ không quản lý các loại tiền ảo như Bitcoin, nhưng sẽ hợp thức hóa các quy định chống rửa tiền liên quan tới tiền ảo và duy trì cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng khác khi giao dịch loại tiền này, hãng tin Bloomberg dẫn lời Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - ngân hàng trung ương nước này cho biết.

"Đến nay chúng tôi không có cơ sở để can thiệp quản lý các loại tiền ảo", Menon cho biết trong  cuộc phỏng vấn của Bloomberg. Trọng tâm của ngân hàng trung ương hiện tại là "quan sát các hoạt động xung quanh tiền ảo và đặt câu hỏi về những loại rủi ro tiềm tàng, rủi ro nào cần phải có quy định điều chỉnh, và từ đó tiến hành thực hiện", Menon cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, tiền ảo Bitcoin đã tăng trưởng 500%, thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà đầu tư mà còn của các cơ quan chức năng trên toàn cầu, dù ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn chưa có động thái quản lý loại tiền kỹ thuật số này.

Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố cấm hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo (ICO), Tổng thống Nga Vladimir Putin lại kêu gọi tìm cách quản lý lĩnh vực này, đồng thời cân nhắc phát hành loại tiền ảo riêng dưới sự điều hành của chính phủ.

"Hiện có rất ít quy định pháp lý liên quan tới tiền ảo. Đa số đang tiếp cận theo hướng cho rằng bản thân tiền ảo không gây ra rủi ro đến mức phải quản lý", Menon nói.

Singapore cũng đã yêu cầu các đơn vị trung gian liên quan tới tiền ảo như đơn vị vận hành sàn giao dịch, tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Menon cho biết. "Điều này sẽ được hợp thức hóa trong quy định về dịch vụ thanh toán sắp tới mà chúng tôi đang soạn thảo".

Nếu như ICO hứa hẹn mạng lại lợi nhuận hoặc các lợi ích kinh tế khác, thì hoạt động này có thể giống với  huy động vốn trên thị trường chứng khoán và được đưa vào Đạo luật về Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai của Singapore. Các mô hình kinh doanh khác sẽ "bỏ qua tính năng giống như chứng khoán này trong mã tiền ảo của mình", ông cho biết thêm.

"Vì vậy, chúng tôi chỉ phải quan sát theo từng trường hợp để xem mô hình nào phải đưa vào quy định quản lý, mô hình nào không", Menon nói.

Một trong số các công ty tại Singapore đã thực hiện ICO là TenX, huy động được 80 triệu USD hồi tháng 6 vừa rồi. Startup này đang phát hành thẻ ghi nợ như một công cụ chuyển đổi tức thời các loại tiền ảo sang đồng USD, Yên và Euro.

Tương tự như IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu), mục tiêu của ICO là huy động vốn từ công chúng nhưng thay vì bán cổ phiếu như IPO, các đối tượng phát hành ICO tự phát triển và đưa ra một loại tiền ảo (thường được gọi là mã token). Nhà đầu tư có thể dùng bitcoin và các loại tiền ảo khác để mua token.