09:09 05/01/2018

SSI dẫn đầu thị phần môi giới hợp đồng tương lai năm 2017

Hà Anh

Lũy kế cả năm 2017, SSI đã chiếm 28,28% thị phần, cách khá xa so với HSC với 22,57% và VND với 20,98%

Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức ra đời với sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng.
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức ra đời với sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng.
Ngày 4/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thị phần môi giới Hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh trong quý 4 và năm 2017.

Theo đó, có 7 công ty chứng khoán tham gia thị phần môi giới hợp đồng tương lai của các Công ty Chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh trong quý 4 và cả năm 2017 gồm: SSI, HSC, VND, MBS, BSC, VCSC và VPBS.

Cụ thể, trong quý 4, SSI dẫn đầu với 26,87% thị trường trong quý 4, các vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Công ty Chứng khoán Tp.HCM với 21,19% và Công ty chứng khoán VNDIRECT với 20,89% thị phần.

Các vị trí tiếp theo thuộc về MBS với 12,91%, BSC với 9,17%, VCSC với 5,13% và VPBS với 3,83%

Lũy kế cả năm 2017, SSI đã chiếm 28,28% thị phần, cách khá xa so với HSC với 22,57% và VND với 20,98%.

Được biết, ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức ra đời với sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng.

Trước đó, HNX cho biết, tại thời điểm cuối tháng 10, đã có 11.444 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng 18,24% so với tháng trước. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng gấp đôi so với tháng trước với 131 hợp đồng mua, tương ứng giá trị 10,69 tỷ đồng và 120 hợp đồng bán tương ứng giá trị 9,78 tỷ đồng.

Hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (96,96%), sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn, lần lượt là 0,24% và 0,05%.

Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chiếm 2,75% khối lượng giao dịch phái sinh toàn thị trường.