Sức ép cân đối vốn khối ngân hàng thương mại nhà nước
Mức vốn điều lệ của khối 7 ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng được 0,08% năm qua
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống các tổ chức tín dụng chốt năm 2018. Sức ép cân đối vốn với quy mô tổng tài sản tiếp tục thể hiện ở khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo dữ liệu trên, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã vượt mốc 11 triệu tỷ đồng, đạt 11.064.239 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cuối năm 2017.
Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, với 4.863.353 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 6,42% so với cuối 2017.
Sức ép cân đối vốn thể hiện, trong khi quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng đáng kể và chiếm thị phần lớn trong hệ thống thì vốn điều lệ của khối này gần như không tăng. Đây cũng là điểm hạn chế sức tăng trưởng trước mắt các chỉ tiêu kinh doanh nói chung ở khối này.
Năm qua, quy mô vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ tăng được 0,08%, đạt 147.890 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2018, quy mô vốn tự có của khối này cũng đã tăng được 5,48%, đạt 268.599 tỷ đồng.
Cả quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước đến cuối 2018 đều thấp hơn nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhưng lại đang chiếm tỷ trọng và quy mô tổng tài sản lớn hơn.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 9,52% vào cuối 2018, thấp hơn nhiều so với mức 11,24% của khối cổ phần.
Cũng theo thống kê trên, đến cuối 2018, khối ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối) có quy mô tổng tài sản 4.554.977 tỷ đồng, tăng 13,07% so với cuối 2017.
Cả quy mô vốn tự có và vốn điều lệ của khối cổ phần này đều tăng khá mạnh năm qua, đặc biệt ở tốc độ tăng vốn điều lệ, và cùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng tổng tài sản.
Chốt năm 2018, khối ngân hàng thương mại cổ phần có 338.183 tỷ vốn tự có, tăng 16,36%; 267.234 tỷ vốn điều lệ, tăng tới 24,42%.
Ở một kết quả chung, cũng như từng bước thực hiện chủ trương siết lại, đến cuối năm 2018 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hai khối trên đều được kiểm soát quanh 30% và mức bình quân toàn hệ thống ở 28,41%.
Theo phân nhóm thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khối ngân hàng thương mại nhà nước bao 7 thành viên: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu và Ngân hàng Đại Dương.