10:44 04/11/2015

“Cần luật hóa đấu giá nợ xấu”

Nguyễn Lê

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản.<br>
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản.<br>
Thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Sáng 4/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đấu giá tài sản.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, bảo đảm tính minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, thực tế thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm và cho rằng đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế, trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Giàu nói.

Cơ quan thẩm tra phân tích, hiện nay việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật mà tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Do đó, đề nghị nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Quy định về doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng là nội dung cơ quan thẩm tra còn băn khoăn.

 Dự thảo luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp đấu giá tài sản không được đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác, trừ các hoạt động có liên quan đến đấu giá tài sản được luật quy định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết.

Bên cạnh đa số nhất trí như dự thảo, một số kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản không đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác là không phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp về quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Do đó,  các ý kiến này đề nghị cho phép doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập và hoạt động theo các hình thức sở hữu khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… và được đồng thời kinh doanh một số ngành nghề liên quan đến đấu giá tài sản như tư vấn, thẩm định giá, quản lý tài sản.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu giải thích, quy định tại điều 7 Luật Đầu tư đã xác định những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó hành nghề bán đấu giá tài sản được xác định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Do đó, việc quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập và hoạt động theo hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh là không trái với quy định của Hiến pháp và phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính đối nhân trong hoạt động đấu giá tài sản.

Ngoài ra, tại điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó. Vì thế, việc quy định về đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại dự án luật này với những quy định cụ thể và áp dụng trực tiếp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá tài sản là phù hợp,  Chủ nhiệm Giàu báo cáo.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế vẫn đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem xét cho phép các doanh nghiệp đấu giá tài sản được đồng thời thực hiện một số hoạt động khác liên quan đến đấu giá tài sản