11:12 22/09/2017

Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới lại vượt 1 triệu đồng/lượng

Diệp Vũ

Giá vàng thế giới đang chịu sự tác động của những yếu tố trái chiều

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đưa giá vàng thế giới phục hồi trong phiên sáng nay sau khi giảm khá mạnh vào đêm qua, nhưng vẫn chưa thể tái lập mốc 1.300 USD/oz. Trong nước, giá vàng tăng nhẹ và đang chênh giá quốc tế hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.

Lúc gần 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,58 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,65 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 20.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,5 triệu đồng/lượng và 36,7 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Sau khi giảm dưới mức 36,6 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong 3 tuần, vào chiều qua, giá vàng miếng lình xình quanh ngưỡng này cho tới sáng nay.

Trong bối cảnh nhu cầu vàng trong nước ảm đạm và tỷ giá USD/VND ổn định, giá vàng trong nước đang chịu áp lực giảm từ thị trường vàng thế giới. Từ đỉnh giá của 5 tháng thiết lập cách đây đúng 2 tuần, giá vàng miếng hiện đã giảm khoảng 700.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước đang giảm chậm hơn giá thế giới, thể hiện ở khoảng cách giá vàng trong nước-quốc tế bị kéo giãn. Hồi đầu tháng, có lúc giá vàng trong nước gần như ngang bằng với giá thế giới. Nhưng sáng nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới là gần 1,2 triệu đồng/lượng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm tại New York, giá vàng giao ngay giảm 9,9 USD/oz, tương đương giảm gần 0,8%, còn 1.291,6 USD/oz.

Lúc gần 11h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng tại thị trường châu Á tăng 6 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đạt 1.297,6 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 35,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do và chưa tính chi phí liên quan.

Giá vàng thế giới đang chịu sự tác động của những yếu tố trái chiều. Sau 2 tuần, giá vàng đã giảm hơn 60 USD/oz từ mức đỉnh của 1 năm.

Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đang là lý do để nhiều nhà đầu tư mua vàng phòng ngừa rủi ro. Theo tin từ hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho ngày 22/9 tuyên bố nước này có thể sẽ thực hiện một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp trả những lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thông tin này đã khiến chứng khoán châu Á giảm điểm phiên sáng nay, trong khi các tài sản an toàn như vàng, Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ tăng giá.

Tuy nhiên, đồng USD tăng giá mấy ngày gần đây và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 lại đang là nguồn áp lực mất giá đối với vàng. Trước khi giảm 0,2% trong phiên sáng nay về mức 92,052 điểm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã có mấy phiên tăng liên tiếp.

Trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày thứ Tư tuần này, FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất lần thứ ba trong năm 2017 vào tháng 12, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu bán ra lượng trái phiếu trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD từ tháng 10. Đây là số trái phiếu FED đã mua vào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Giới phân tích lo ngại rằng với việc để mất mốc 1.300 USD/oz và đối mặt với khả năng lãi suất USD tăng, giá vàng có thể giảm sâu hơn. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị vẫn đang là nhân tố hỗ trợ quan trọng đối với giá kim loại quý này.

Giá USD tự do tại Hà Nội đến sáng nay vẫn chưa có chuyển biến gì, “bất động” ở mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.740 đồng (bán ra).

Trong khi đó, giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại đã có chuyển động nhỏ sau nhiều ngày nằm im. Vietcombank sáng nay nâng báo giá ngoại tệ này lên mức 22.695 đồng (mua vào) và 22.765 đồng (bán ra), tăng 5 đồng so với hôm qua.