08:54 03/12/2016

Chính phủ quyết đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Bạch Dương

Giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp

Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí.<br>
Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí.<br>
Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, nguồn tin của VnEconomy cho biết.

Rủi ro rửa tiền, trốn thuế, chảy máu ngoại tệ

Bản dự thảo đề án cho biết, gần đây, việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến ở nhiều nước và trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, ví dụ như Bitcoin.

Việc sử dụng tiền ảo mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả… nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu.

Theo đề án, tại Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…

Đặc biệt, việc kinh doanh tiền ảo đa cấp đang hút đông đảo người tham gia đầu tư. Tuy nhiên, việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.

Về pháp luật, Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí.

Đặc biệt, đề án của Chính phủ còn đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ.

Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý

Trước thực tế đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.

Về tài sản ảo, với các quy định luật hiện tại của Việt Nam, tài sản ảo có thể tồn tại bao gồm cả hữu hình và vô hình. Tài sản ảo hữu hình mới phát sinh cùng sự phát triển công nghệ như tài khoản game online, các đồ vật trong game...

Theo nghĩa rộng, tài sản ảo được hiểu là tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Hiện nay giá trị của tài sản ảo có thể lên tới hàng trăm tỷ USD trong bối cảnh công nghệ bùng nổ như hiện nay.

Hiện khung pháp lý cho các loại tài sản ảo như Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, Thông tư 24 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định số 72… vẫn chưa được rõ ràng. Trong khi trên thế giới đã có quy định quản lý về các loại tài sản ảo như e-mail, website, chatroom, URL...

Về tiền điện tử, hiện Việt Nam có 103,5 triệu thẻ ngân hàng và 2,2 triệu ví điện tử. Thanh toán điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế.

Tuy nhiên, một số loại hình tương tự như tiền điện tử dưới dạng lưu trữ giá trị đang được sử dụng như thẻ điện thoại  trả trước (ngoài tính năng gọi điện còn được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ qua mạng, thẻ game online...) không do ngân hàng hay tổ chức dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép phát hành nhưng vẫn chưa có khung pháp lý quản lý.

“Pháp luật Việt Nam đã có quy định về tiền điện tử nhưng chua đầy đủ, hiện còn chưa thống nhất dẫn đến việc nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Vì vậy cần nghiên cứu rõ để thống nhất cách hiểu và có chính sách quản lý cho từng đối tượng”, văn bản nêu.

Mặt khác các quy định về tiền điện tử chủ yếu được quy định trong các thông tư của Ngân hàng Nhà nước nay cần nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ.

Về tiền ảo, đề án cho biết Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013 không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo.

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 52 của Chính phủ, thì tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử.

Tuy vậy, Chính phủ cho rằng cần phải làm rõ quy chế pháp lý đối với tiền ảo, xác định mô hình quản lý, tiền ảo là phương tiện thanh toán hay hàng hóa, tài sản? Từ đó giảm thiểu rủi ro của hệ thống tiền ảo với thị trường tiền tệ.

Đưa tiền ảo vào khuôn khổ

Theo Bộ Tư pháp, dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận, nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm... nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.

Theo Chính phủ, mục tiêu của xây dựng đề án là để đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo ở Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.

Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017.

Nghiên cứu lập 3 nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ trong năm 2018. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.

Đáng chú ý, đề án còn nhấn mạnh việc học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngoài việc đưa tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vào khung pháp lý nghị định, Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật quản lý với các phát sinh trong bối cảnh mới.

“Đến nay vẫn chưa có một cách ứng xử thống nhất, rõ ràng đối với việc quản lý đồng tiền ảo trên phạm vi toàn thế giới, tùy thuộc vào mục tiêu quản lý của từng quốc gia để đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý. Song, các quốc gia đang tỏ ra rất thận trọng với tiền ảo”, báo cáo nêu.

Theo đó, hiện có 5 phương thức quản lý tiền ảo là cảnh báo, quy định đối với các cơ quan tiền ảo để bảo vệ người tiêu dùng, thuyết minh thêm trên các cơ sở luật hiện hành, quy định mang tính tổng thể, ngăn cấm.

Theo thiết kế hiện nay, tiền ảo ẩn chứa một rủi ro khác biệt so với các phương tiện thanh toán và cất giữ khác, đó là tỷ giá quy đổi giữa tiền ảo và các tiền mặt khác biến đổi liên tục. Ngoài ra giao dịch nhỏ khiến thanh khoản của tiền này khá hạn chế, một giao dịch lớn có thể thay đổi giá trị của đồng tiền này.