08:21 14/07/2017

Chuyển động quanh kỷ lục lợi nhuận Vietcombank

Minh Đức

Trong kỳ gần nhất, gần như Vietcombank không dùng một đồng nào để xử lý nợ xấu

Vietcombank có tổng nợ xấu nội bảng tính đến hết quý 2/2017 là 7.882 tỷ 
đồng (con số duy nhất vì không còn nợ xấu nằm ở VAMC), thì dư quỹ dự 
phòng rủi ro đã vượt xa tới 10.752 tỷ đồng.
Vietcombank có tổng nợ xấu nội bảng tính đến hết quý 2/2017 là 7.882 tỷ đồng (con số duy nhất vì không còn nợ xấu nằm ở VAMC), thì dư quỹ dự phòng rủi ro đã vượt xa tới 10.752 tỷ đồng.
Tuần này, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp thuộc khối Trung ương có các cuộc tiếp xúc riêng lẻ. Họ có nói đến một điểm chung, dù không nhấn mạnh.

Tại một doanh nghiệp nhà nước có quy mô khá lớn đã cổ phần hóa, nhà đầu tư từ Pháp đang muốn vào. Tương tự, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhà đầu tư GIC từ Singapore vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch mua cổ phần.

Trong cuộc tiếp xúc nói trên, cả hai trường hợp đó đều đang vướng về cơ chế bán, vẫn phải chờ các cơ quan chuyên trách xét duyệt.

Kết luận rút ra: không hẳn cứ doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước lớn kinh doanh tốt là dễ thu hút và dễ bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo mong muốn chủ quan.

Lợi nhuận vượt trội

Tại Vietcombank, đã một năm trôi qua kể từ khi kế hoạch bán khoảng 7% cổ phần cho GIC được biết đến. Thông thường, sau một thời hạn không chốt được kết quả cuối cùng, nhà đầu tư sẽ thay đổi hoặc từ bỏ.

Nhưng vì sao GIC không từ bỏ, vẫn theo đuổi nhưng không trả một mức giá hấp dẫn để nhanh gọn?

Có những lý do khác nhau. GIC vẫn theo đuổi vì hoạt động và chất lượng của Vietcombank ngày càng cao, thậm chí vượt trội trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhưng, họ mua theo lô lớn nên khó có thể đặt ngang với quy mô giao dịch khá nhỏ trên sàn niêm yết; mặt khác, một điều khoản ràng buộc là thời hạn nắm giữ, “đóng băng” hàng sau khi mua, thời gian ràng buộc càng dài càng khó kiểm soát rủi ro mà theo đó tính chủ động trong quyền lợi và lợi ích bị hạn chế…

Nói hoạt động và chất lượng Vietcombank ngày càng cao, vì thực tế các chuyển động trong nửa đầu năm nay tiếp tục cho thấy những giá trị.

Thông tin ước tính cũng đã công bố. 6 tháng đầu 2017, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của Vietcombank đạt tới 8.058 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ 2016, thực hiện 53,2% kế hoạch 2017.

Với thông tin cập nhật đến thời điểm này, lần đầu tiên sau nhiều năm Vietcombank mới trở lại vị trí số một về lợi nhuận (theo con số giá trị tuyệt đối) trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ở kỳ 6 tháng đầu năm một cách thuyết phục như vậy. Đây cũng là kỷ lục theo kỳ báo cáo giữa năm của Vietcombank, cũng như dự kiến tạo cách biệt khá lớn so với các “ứng viên số 1” khác.

Chuyển động chiều sâu

Trước hết, một trong những điểm thấy ngay về quy mô lợi nhuận lớn trên là tốc độ tăng trưởng tín dụng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017.

Rất mạnh, vì mức tăng trưởng trong kỳ lên tới 13,1%, khác biệt hẳn so với Vietcombank trầy trật tăng tín dụng quý 1 và 2 nhiều năm trước (thậm chí có tình trạng tăng trưởng âm).

Từ cuối 2016, lãnh đạo cao cấp Vietcombank từng dự tính khi trao đổi với VnEconomy rằng, sau khi đã chủ động hoàn toàn và đưa số dư nợ xấu tại VAMC về 0, ngân hàng sẽ bớt những níu kéo để đẩy nhanh tín dụng một cách tự tin, an toàn hơn và chất lượng hơn.

Một diễn giải ở số liệu kinh doanh cho thấy, bên cạnh tăng trưởng tín dụng cao đó, nửa đầu năm nay dư nợ cho vay khách hàng thể nhân còn tăng mạnh hơn với 24,2%. Đã có sự dịch chuyển rõ hơn về nguồn cho vay các “ông lớn” sang khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, cho tỷ lệ lãi biên cao hơn. Điều này góp phần tạo thêm dịch chuyển mạnh về lợi nhuận.

Mặt khác, cho đến nay, Vietcombank vẫn là ngân hàng thương mại có lợi thế chi phí vốn đầu vào thấp nhất trong hệ thống. Lãi suất huy động họ áp hai năm qua luôn thấp nhất và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung, nhưng tăng trưởng huy động vốn vẫn đạt 10,4%.

Chưa hết, nguồn vốn không kỳ hạn nửa đầu năm nay tiếp tục tăng mạnh (8,7%), đưa tỷ trọng “nguồn vốn rẻ” này lên tới 27,5%. Và đến kỳ báo cáo tài chính tới đây, sẽ không bất ngờ khi tại ngân hàng này có lượng tiền gửi ngoại tệ cực lớn.

Tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong lợi nhuận, dù đây là một trong số ít thành viên đã có tỷ trọng thu ngoài lãi/tổng thu nhập ở mức cao (24,2%). Vậy mức tăng trưởng tín dụng tới 13,1% đã dùng có là trở ngại với tốc độ nửa cuối năm? Tại hội nghị sơ kết vừa qua, Vietcombank cho biết đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng chung từ 16% lên 18%.

Kỷ lục lợi nhuận là điểm nhấn, nhưng tình hình nợ xấu mới là điểm đáng chú ý nhất tại Vietcombank qua nửa đầu năm nay.

Có thể bất ngờ nếu trong kỳ báo cáo tới cho thấy họ đã gần như không dùng một đồng nào trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, để đưa ra ngoại bảng, để đè tỷ lệ nợ xấu xuống hẳn. Vì đến cuối tháng 6/2017, tỷ lệ này chỉ ở mức 1,47%. Ngược lại, họ gần như thoái hẳn các khoản lãi dự thu có vấn đề thay vì để tiềm ẩn nợ xấu trong đó, cùng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Kỷ lục liên quan ở đây tiếp tục gia tăng. Cuối 2016, Vietcombank có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lên tới 121% tổng nợ xấu, cao nhất hệ thống và cao tới gấp đôi so với nhiều thành viên khác. Và đến cuối tháng 6/2017, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên tới 136,4% - kỷ lục rất khó có ngân hàng thương mại khác vượt qua được hiện nay.

Con số cụ thể hơn: Vietcombank có tổng nợ xấu nội bảng tính đến hết quý 2/2017 là 7.882 tỷ đồng (con số duy nhất vì không còn nợ xấu nằm ở VAMC), thì dư quỹ dự phòng rủi ro đã vượt xa tới 10.752 tỷ đồng.

Giả sử Vietcombank nhượng bộ và không đẩy cao tỷ lệ trên, chắc chắn lợi nhuận nửa đầu năm nay đã bùng nổ. Hoặc giả thiết, sau khi đạt tới 136,4%, lượng trích lập dự phòng nửa cuối năm sẽ bớt đi, trong điều kiện không có những xáo trộn hoặc tác động lớn bất lợi, vùng lợi nhuận 10.000 - 12.000 tỷ đồng cả năm của ngân hàng này là không quá tầm, quy mô mà chưa từng có ngân hàng nào của Việt Nam tạo được.