Đề xuất thêm các trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
Chiều 22/5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết dự thảo luật gồm 5 điều, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết dự thảo luật gồm 5 điều, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo thuyết minh, việc sửa luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, hỗ trợ kịp thời từ khâu phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém đến khâu phục hồi, củng cố năng lực để các tổ chức tín dụng yếu kém có khả năng trở thành tổ chức tín dụng lành mạnh.
Thế nào là kiểm soát đặc biệt?
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, lần sửa đổi này đã làm rõ khái niệm về kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, kiểm soát đặc biệt là việc tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng về nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh.
Như, bổ sung trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Dự thảo sửa đổi cũng nêu rõ ”tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần củatổ chức tín dụng”.
Quy định về trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đạt hoặc có khả năng không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nhưng chưa đến mức bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cũng được sửa đổi. Theo đó, trong trường hợp này tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước giải pháp, kế hoạch khắc phục và Ngân hàng Nhà nước có một số quyền để xử lý trường hợp này (yêu cầu tăng vốn, yêu cầu hạn chế, thu hẹp phạm vi hoạt động …).
Dự thảo luật bổ sung thêm các quy định về nguồn thông tin để phát hiện tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (qua báo cáo của tổ chức tín dụng, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, kiểm toán độc lập, hoạt động của cơ quan Nhà nước, cơ quan giám sát nước ngoài), Thống đốc cho biết.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung thêm một số trường hợp có thể xem xét đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, như trường hợp mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng thanh toán do mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, vi phạm pháp luật của người quản lý, người điều hành; trường hợp có kiến nghị của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc theo đề nghị của tổ chức tín dụng.
Về thầm quyền, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi, xử lý pháp nhân ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính; mức cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát, theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, trừ phương án phá sản.
Còn ý kiến khác nhau
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên còn có ý kiến khác nhau về một số nội dung cụ thể.
Với quy định về thẩm quyền xử lý nói trên, bên cạnh ý kiến đồng tình, loại ý kiến thứ hai tai cơ quan thảm cho rằng đối với quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng Nhà nước nên chủ động quyết định phương án phá sản mà không cần đến vai trò quyết định của Chính phủ như quy định tại dự thảo luật.
Ủy ban Kinh tế cho rằng quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuy không lớn như quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng lại có tác động lớn về mặt xã hội trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân đổ vỡ, phá sản. Việc phá sản các quỹ tín dụng nhân dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân, nên cần cân nhắc, thận trọng trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản.
Liên quan đến phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị làm rõ nguyên tắc, điều kiện lựa chọn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc hay phương án phá sản. Đề nghị làm rõ hơn cơ sở pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp của phương án chuyển giao bắt buộc.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị làm rõ cơ chế chỉ định tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc phần vốn góp, cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan như tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng phải chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ cơ cấu lại…, trong đó lưu ý vấn đề trách nhiệm liên quan của các bên trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại.
Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn về căn cứ, tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc, cơ chế ưu đãi cho các tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ cơ cấu lại để bảo đảm hài hoà lợi ích tổng thể và tuân thủ nguyên tắc thị trường, quy định về quyền sở hữu tại Hiến pháp và quy định ràng buộc điều kiện đối với các nhà đầu tư để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn, cho rằng các biện pháp hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quy định trong dự thảo luật về cơ bản còn dựa vào nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước mà chưa có các nguồn lực khả thi khác, vì vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nguồn lực thực hiện.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về tác động đến ngân sách Nhà nước khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như quy định tại dự thảo luật, đồng thời, đánh giá khả năng có thể huy động được các nguồn lực khác trong xã hội vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.