17:42 09/10/2014

Dự chi 150.000 tỷ đồng trả nợ và viện trợ trong năm tới

Nguyễn Lê

Theo báo cáo của Chính phủ thì hết 2015, nợ công của Việt Nam ước đạt 64% GDP

Năm 2015, Chính phủ dự kiến chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng 25% so với dự toán chi 2014.
Năm 2015, Chính phủ dự kiến chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng 25% so với dự toán chi 2014.
Tình hình nợ công đã rất khó khăn là điều được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nhấn đi nhấn lại khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 9/10.

Với mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 5,3%, dự kiến nợ công tính đến 31/12/2014 bằng 60,3% GDP. Và, theo báo cáo của Chính phủ thì hết 2015, nợ công ước đạt 64% GDP, ông Hiển cho biết.

Tuy nhiên, đây là con số chưa tính hết các khoản nợ của ngân sách nhà nước như nợ quỹ hoàn thuế, nợ cấp bù chênh lệch cho hai ngân hàng chính sách, nợ bảo hiểm xã hội…

Nếu tính đủ các khoản thì nợ công đã chạm mức giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội là 65%, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sốt ruột.

Đáng chú ý là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách hàng năm đã vượt mức quy định là 25%, năm 2014 ước đạt 25,9% và sang 2015 dự kiến ở mức 31,9%.

Nợ phải trả hằng năm tăng nhanh, từ 2012 đã phải thực hiện vay để đảo nợ, dành một phần vay về để trả nợ. Đến 2015 vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng, từ 77.000 tỷ đồng của 2014 đã lên 130.000 tỷ đồng..

Năm 2015, Chính phủ dự kiến chi trả nợ và viện trợ 150.000 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng 25% so với dự toán chi 2014.

Đây là mức tăng khá cao do với  nhiều năm do ngân sách phải thanh toán các khoản nợ đến hạn, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Và nợ công, dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đã phản ánh tình hình ngân sách nhà nước đang ở mức rất khó khăn.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xây dựng phương án, giải pháp xử lý, giảm dần nợ công và nâng cao tính chủ động trong việc trả nợ của ngân sách nhà nước.