08:00 15/11/2016

eMoney và phong cách Viettel tại xứ Chùa Tháp

Nguyễn Sơn

Vượt qua những khó khăn, sản phẩm ví điện tử eMoney của Metfone sau một năm hoạt động đã mang lại những kết quả bất ngờ tại xứ Chùa Tháp

eMoney thể hiện được phong cách đặc biệt của Viettel ở một lĩnh vực mới.
eMoney thể hiện được phong cách đặc biệt của Viettel ở một lĩnh vực mới.
Vượt qua những khó khăn, sản phẩm ví điện tử eMoney của Metfone (một thương hiệu của Viettel tại Campuchia) sau một năm hoạt động đã mang lại những kết quả bất ngờ tại xứ Chùa Tháp.

Sự thành công này đang khẳng định hướng đi mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cá nhân của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Không chỉ thành công về vận hành và doanh thu, eMoney thể hiện được phong cách đặc biệt của Viettel ở một lĩnh vực mới.

Thách thức thói quen không dùng tài khoản

Campuchia là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel. Ở đây, tập đoàn Viettel đã xây dựng nên thương hiệu Metfone, trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất xứ Chùa Tháp.

Tuy nhiên, với ví điện tử eMoney, dù xây dựng theo mô hình dịch vụ ngân hàng hoạt động trên nền viễn thông, Viettel vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Campuchia vốn là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á, chỉ ở mức 5% dân số.

Thói quen chuyển tiền tại các vùng nông thôn của Campuchia chủ yếu là qua các văn phòng giao dịch hoặc gửi qua đường vận tải thông thường như taxi, xe ôm…

Việc phải đến trụ sở ngân hàng cũng như phải đụng đến chuyện giấy tờ  khiến cho người dân  nước này không hứng thú với việc sở hữu một tài khoản ngân hàng, càng không có các kỹ năng giao dịch với hệ thống tài chính.

Vượt qua các khó khăn, eMoney chính thức hoạt động từ tháng 5/2015, mang tới một giải pháp về giao dịch kiểu mới cho người dân đất nước Chùa Tháp.

Để chuyển tiền với eMoney, khách hàng chỉ cần tiến hành vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, trung bình từ 10-15 giây, để thực hiện các lệnh rút nạp tiền, thanh toán hoá đơn, mua hàng hoá, nạp thẻ, chi trả lương.

Chi phí thấp và độ an toàn cao giúp cho dịch vụ eMoney trở nên phù hợp với cả những người dân ở khu vực nông thôn của Campuchia.

Nếu như với Bankplus, người Viettel làm ra dịch vụ để phục vụ người Việt thì điểm đặc biệt là eMoney cũng được thực hiện bởi 100% kỹ sư Việt nhưng lại dành phục vụ cho thị trường Campuchia.

5 nhân sự đầu tiên của dự án nhận được nhiệm vụ phát triển dịch vụ ví điện tử cho Metfone vào tháng 7/2014 đều là những người ngoại đạo với dịch vụ ngân hàng. Lê Ngọc Tú, Trưởng Dự án Ví điện tử eMoney - Trung tâm Công nghệ thông tin Viettel 4 (VIT4) chia sẻ: “Anh em bắt tay làm từ đầu. Trong quá trình làm, có rất nhiều khái niệm, nghiệp vụ về thương mại điện tử, tài chính ngân hàng mà anh em IT đã phải học thêm và tìm hiểu. Anh em cũng tham khảo các ví điện tử khác của thế giới, tham khảo sản phẩm Bankplus ở Việt Nam, tham khảo cả cách kinh doanh dịch vụ ví điện tử của các đối thủ đã có sản phẩm trên thị trường”.

Thời điểm trước khi hoàn thiện, nhóm đã phải làm việc không nghỉ Tết, giải quyết trọn vẹn hai vấn đề bất ngờ phát sinh là ngôn ngữ song song và tiền tệ song song.

Với đặc thù của giao dịch tiền tệ tại Campuchia, eMoney phải sử dụng cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Khrme, giao dịch được với cả 2 loại tiền là USD và KHR. Những nút thắt cuối được gỡ trong vài tuần, và eMoney chính thức ra mắt vào tháng 7/2015.

Thể hiện đúng “phong cách Viettel”

Dù là dịch vụ ví điện tử đầu tiên của Viettel ở thị trường nước ngoài nhưng ở một số dịch vụ tài chính, eMoney của Metfone tại Campuchia phải cạnh tranh với nhiều đối thủ bản địa.

Trong đó, đối thủ lớn là Wing đang nắm giữ 70% thị phần chuyển tiền ngoài ngân hàng, đã có 5 năm ‘’thâm niên’’ trong lĩnh vực này và có tới 4.000 đại lý, tập trung phần lớn ở thủ đô Phnom-Peng và các trung tâm đông dân cư.

Tuy nhiên, với độ phủ rộng của Metfone, eMoney đã tăng trưởng nhanh chóng, đã có tổng cộng 4.500 đại lý sau 2 năm khởi động dự án, phủ 100% xã cả nước và tiến tới phủ 100% các thôn của Campuchia.

Không chỉ dừng lại ở các dịch vụ truyền thống, eMoney cho phép khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính đồng bộ hơn, như thu hộ, chi hộ, chuyển tiền kiều hối… bên cạnh các dịch vụ rút nạp tiền, thanh toán hoá đơn, mua hàng hoá, nạp thẻ, chi trả lương…

Sự đa dạng và cách thức tiếp cận thích hợp đã giúp eMoney nhanh chóng đạt mốc 200.000 khách hàng đăng ký chính thức và một số lượng lớn hơn thế các khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng không cần đăng ký.

Dịch vụ này hiện đang đứng thứ 2 về thị phần tại Campuchia với dòng tiền chuyển qua eMoney trung bình đạt 70 triệu USD/tháng trong thời gian gần đây và đang trên đà tăng trưởng. Doanh thu phí mỗi tháng đạt gần 500.000 USD, trung bình tăng 12% mỗi tháng.

Những thành công trên của eMoney đã làm gợi nhớ lại chiến lược tiếp cận khách hàng vốn đã trở thành “phong cách Viettel”: tối đa hoá khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm kể cả vùng nông thôn hay miền núi xa xôi, đa dạng hoá dịch vụ trong sản phẩm.