18:17 10/09/2014

“Hiến kế” đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng

Nguyễn Hoài

Phải có tiền để xử lý nợ xấu, nếu không, phải có cơ chế tạo tiền cho VAMC

Để giải quyết vấn đề nợ xấu thì không nên quá kỳ vọng vào VAMC vì đó chỉ là giải pháp “tay không bắt giặc” - Minh họa: Khều.<br>
Để giải quyết vấn đề nợ xấu thì không nên quá kỳ vọng vào VAMC vì đó chỉ là giải pháp “tay không bắt giặc” - Minh họa: Khều.<br>
Tiến trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nhịp độ đang chững lại. Các chuyên gia cho rằng, phải có tiền để xử lý nợ xấu, nếu không, phải có cơ chế tạo tiền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đồng thời, Chính phủ cần có kế hoạch giải quyết dứt điểm lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại cổ phần; để từ đó Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện quyền nắm giữ vốn và có thể tái cấu trúc hiệu quả với nhóm ngân hàng này.

Tại buổi tọa đàm “Tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều muộn ngày 9/9/2014, các chuyên gia cho rằng, sau hai năm triển khai, tiến trình tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu đang đúng hướng và đạt một số kết quả nhất định.

Tái cấu trúc ngân hàng đang ở đâu?

Nếu chứng kiến tình trạng tiền gửi lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cuối 2011, đầu 2012 và hiện nay sẽ thấy mặt bằng đã giảm tới hơn 50%, chấm dứt gần như hoàn toàn việc dùng lãi suất tranh vốn của nhau.

Song song với đó, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng đã góp phần để tổ chức xếp hạng Moody’s nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ Việt Nam lên 1 bậc, từ mức B2 lên B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định trong tuần trước.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã loại bỏ hoàn toàn sự lũng đoạn của vàng khỏi tổ chức tín dụng. Nhờ đó, giá vàng trong nước ổn định hơn, tình trạng đầu cơ vàng giảm, chấm dứt rủi ro từ vàng đối với hệ thống.

Ngoài ra, các chỉ số an toàn hệ thống được ổn định và được cải thiện rất rõ nét. Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn luôn cao hơn mức quy định của pháp luật; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm; tỷ lệ khả năng chi trả của hệ thống cao hơn trước.

Đến tháng 6/2014, tỷ lệ khả năng chi trả ngay đạt ngưỡng gần 25%. Từ đó, trên một nền tảng cơ cấu nguồn vốn bền vững, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện thực thi các công cụ điều hành, chẳng hạn, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh căn cơ.

Nói chung, về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, nâng khả năng chi trả của nhóm này lên một bước đáng kể nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước và quyền lợi người gửi tiền.

Trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, còn một ngân hàng đang đàm phán với đối tác nước ngoài. Một số đơn vị khác cần tái cấu trúc được xác định trong năm 2013 đang được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt và chỉ đạo xây dựng phương hướng tái cơ cấu.  

Cũng theo các chuyên gia, ngoài những yếu tố tích cực trên thì mặt được trong tiến trình tái cơ cấu giai đoạn một là chỉ áp dụng nguyên tắc tự nguyện.

Riêng đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chi phối vốn, đã hoàn thành cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại Nhà nước; trong đó 3 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đều có nhà đầu tư chiến lược tham gia.

Chỉ còn Agribank chưa cổ phần hóa nhưng đã được cơ quan quản lý phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý những sai phạm, yếu kém phát hiện qua thanh tra và tái cơ cấu của các công ty con.

Về phía Agribank, ngân hàng này cũng chủ động cơ cấu lại bộ máy, mạng lưới, nhân lực; xử lý một phần nợ xấu; cơ cấu lại tài sản “Nợ - Có” và thu hẹp các khoản mục đầu tư.

Cho VAMC “trèo lên luật”?

Buổi tọa đàm nói trên đã đặt ra hai vấn đề cần phải xử lý mà đầu tiên là nợ xấu.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM, cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì không nên quá kỳ vọng vào VAMC vì đó chỉ là giải pháp “tay không bắt giặc”, trong khi chính VAMC cũng đang vướng vào vô số vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm mà các ngân hàng đang mắc phải lâu nay.

Chưa kể, lực lượng nắm giữ tài sản bất động sản, từ con nợ đến chủ nợ đều “hóng” vào sự phục hồi của thị trường này, nhưng bao giờ phục hồi thì không ai trả lời được!

Kể cả khi các bên liên quan đến tài sản bảo đảm thuận hòa thì cũng không dễ vì có trường hợp, để bán được một căn nhà, ngân hàng có khi phải mất tới 4 năm.

Đồng quan điểm này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dù tiến trình tái cấu trúc hệ thống đang đạt được một số kết quả nhưng tiêu cực vẫn còn, mà vi phạm của Ngân hàng Xây dựng vừa qua là một ví dụ.

Ông nói thêm: “Một tư tưởng đè nặng hiện nay là cứ chương trình gì cần đến tiền lại là ngân hàng. Từ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội đến các chương trình tín dụng quốc kế dân sinh như tam nông, đánh bắt xa bờ, rồi cả mua trái phiếu Chính phủ. Cứ thế này thì tái cấu trúc xong lại đổ thêm một đống nợ cho hệ thống ngân hàng”.  

Theo ông Thành, như Thái Lan, nguồn tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu là 30% GDP, Việt Nam trước đây cũng phải dùng tới 5% GDP. Còn nay, chưa phải dùng đến đồng nào từ ngân sách, vốn điều lệ 500 tỷ đồng của VAMC cũng chỉ để đó nhưng chưa dùng tới. VAMC đang đề xuất nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nhưng cũng chưa được duyệt.

Bởi vậy, trong trường hợp này cần tạo cơ chế đặc thù cho VAMC theo hướng “trèo lên luật”. Có nghĩa, cho phép đơn vị này có những quyền hạn đặc biệt trong xử lý vướng mắc về tài sản bảo đảm; sang tên đổi chủ tài sản bất động sản và không nên chờ sửa luật vì muốn sửa luật thì phải trải qua quá trình rất dài, nhiêu khê.

Thứ hai, theo các chuyên gia, còn một điểm nghẽn nữa là Chính phủ cần ban hành sớm quyết định thoái vốn từ các tập đoàn, tổng công ty để Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền đại diện vốn tại đây.

Ví dụ, Petrolimex đang sở hữu 40% vốn điều lệ PGBank, EVN sở hữu 16% Ngân hàng An Bình, Petro Vietnam sở hữu 52% PVcomBank...

Chỉ khi Ngân hàng Nhà nước sở hữu nguồn vốn trên thì mới có thể thực hiện quá trình tái cấu trúc với nhóm ngân hàng này, khi mà kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm 2014.