14:00 17/08/2016

Hơn 1.000 tỷ ẩn sau lợi nhuận Vietcombank

Minh Đức

Con số này không những ảnh hưởng lợi nhuận mà còn là phần nộp ngân sách liên quan

Vietcombank đang là ngân hàng thương mại nộp ngân sách nhà nước lớn nhất trong hệ thống.
Vietcombank đang là ngân hàng thương mại nộp ngân sách nhà nước lớn nhất trong hệ thống.
Đến thời điểm này mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 của các ngân hàng khép lại, nhưng vẫn có những con số đáng chú ý. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một điển hình.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2016 đã công bố, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 4.279,575 tỷ đồng. Con số này cao hẳn so với cùng kỳ những năm trước, đặt khả năng sớm hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Kết quả này có lẽ làm hài lòng cổ đông và nhà đầu tư.

Nhưng, có một con số khác đáng chú ý hơn, liên quan đến lợi nhuận và cả nghĩa vụ phải nộp ngân sách. Đó là nhìn vào lượng trích lập dự phòng rủi ro.

Có phải giấu lãi?

Dữ liệu tập hợp cho thấy, cả năm 2014, ngân hàng này chỉ trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt từ bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 185,315 tỷ đồng, năm 2015 có tăng mạnh nhưng chỉ 596,208 tỷ đồng. Mà chỉ nửa đầu 2016, con số này lên tới 2.318,511 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra: Vietcombank đã bán lại rất lớn lượng nợ xấu cho VAMC trong năm 2015 và nửa đầu 2016, lũy kế cả năm 2014 dẫn đến trích lập dự phòng đột biến? Nợ xấu theo đó gia tăng rất mạnh?

Cộng dồn, lượng nợ xấu bán những năm trước đến nay tiếp tục phải trích lập theo quy định. Nhưng, theo số liệu báo cáo, nửa đầu năm nay gần như họ không bán cho VAMC, những năm trước cũng bán rất ít so với nhiều ngân hàng khác.

Đến tháng 6/2016, lũy kế chỉ có 3.456 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu của Vietcombank cũng gia tăng trong kỳ không đáng kể về con số tuyệt đối.

So sánh hai con số trên, 2.318,511 tỷ trích lập dự phòng trái phiếu VAMC với 3.456 tỷ nợ xấu bán lại, tỷ lệ trích lập tương ứng tới 67%. Điểm chú ý nằm ở đây.

Nếu tính theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải trích lập cho lượng nợ xấu bán lại VAMC trong 5 năm, mỗi năm 20%. Vietcombank đã trích lập quá 1.158 tỷ đồng.

Và nếu cộng thêm phần trích lập vượt đó, lợi nhuận nửa đầu năm nay của họ đã lên tới gần 5.400 tỷ đồng.

Cơm chưa ăn, gạo còn đó

Câu hỏi đầu tiên là vì sao Vietcombank trích lập vượt rất lớn như vậy, có phải giấu lãi hay không?

Cũng theo quy định hiện hành, mức trích lập 20% và thời hạn 5 năm là yêu cầu tối thiểu. Ngân hàng càng trích lập được cao hơn, rút ngắn thời hạn trích lập thì hẳn là càng khuyến khích. Vietcombank đã căn theo điểm này và trích lập vượt mức quy định tối thiểu, để chủ động hơn trong xử lý nợ xấu.

Câu hỏi thứ hai, nếu không trích lập vượt như vậy, lợi nhuận nửa đầu năm nay sẽ cao hơn nhiều và nộp ngân sách sẽ cao hơn?

Câu hỏi trên có lẽ phải chờ đến chốt năm tài chính để xem Vietcombank thực hiện nghĩa vụ ngân sách như thế nào. Và sau đó có trả cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu để định hình cụ thể.

Còn theo số liệu đã thực hiện, năm 2014, ngân hàng này chỉ nộp ngân sách 1.761,010 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 2.321,653 tỷ đồng; nếu tính cả cổ tức Nhà nước nhận được thì tổng nộp ngân sách lên tới gần 4.400 tỷ đồng. Theo đó, đây là ngân hàng thương mại nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất trong hệ thống.

Năm 2016, như trên, cần chờ chốt lại năm tài chính để xác định lợi nhuận cuối cùng của ngân hàng này. Nếu hơn 1.000 tỷ đồng nói trên xem là lợi nhuận ẩn, trong trường hợp ngân hàng này thu hồi được nợ xấu những khoản đã bán cho VAMC, điều chỉnh chính sách trích lập dự phòng trong khuôn khổ quy định cho phép, lợi nhuận dự báo sẽ tăng cao, và cuối cùng lượng nộp ngân sách Nhà nước cũng tiếp tục tăng lên.

Cơm chưa ăn, gạo còn đó. Cách làm của Vietcombank nhằm tăng chủ động với nợ xấu và an toàn hoạt động, con số lợi nhuận và nộp ngân sách nửa đầu năm nay chỉ là tương đối.

Và không loại trừ, cả hai chỉ tiêu này sẽ có bất ngờ khi chốt số liệu cả năm.