15:31 09/08/2016

Khi ngân hàng ngoài quốc doanh “buông súng”

Minh Đức

Đã có những quyết định “buông súng”, vì cuộc chiến cạnh tranh khó kéo dài khi không cân sức

Một số ngân hàng quy mô cho vay rất lớn, tổng tài sản tăng nhanh, nợ xấu rất đẹp chỉ quanh 1% nhưng lợi nhuận lại kém.<br>
Một số ngân hàng quy mô cho vay rất lớn, tổng tài sản tăng nhanh, nợ xấu rất đẹp chỉ quanh 1% nhưng lợi nhuận lại kém.<br>
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang có cơ hội được vay tái cấp vốn nhiều hơn từ trái phiếu đặc biệt VAMC. Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ về nguồn, góp phần bình ổn lãi suất cho vay.

Vì theo quy định, lãi suất vay tái cấp vốn qua kênh này chỉ 4,5%/năm, khá mềm so với mặt bằng huy động hiện nay. Với các ngân hàng ngoài quốc doanh, họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, hiếm hoi với riêng họ.

Khó đấu được mãi

Ngân hàng ngoài quốc doanh, cách gọi tắt về những ngân hàng có vốn tư nhân và Nhà nước không nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, cũng là cách gọi về những thành viên có ít lợi thế cạnh tranh hơn trong hệ thống.

Như về nguồn vốn, hàng chục năm qua hầu hết những ngân hàng này không tiếp cận được các nguồn rẻ và quy mô lớn từ các tổ chức của Nhà nước, về ngân sách, bảo hiểm… Nó nằm dưới dạng tiền gửi thanh toán, tiền thu hộ, tập trung ở các ngân hàng thương mại nhà nước, mà trước đây vẫn hay gọi là ngân hàng quốc doanh. Lợi thế nguồn vốn gắn liền với lợi thế cạnh tranh trong cho vay, thu hút khách hàng.

Nhưng không vì vậy mà các ngân hàng ngoài quốc doanh không chịu chơi.

Năm 2012, trong khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các thành viên rút lãi suất cho vay về tối đa 15%/năm, thì đã có những ngân hàng ngoài quốc doanh sẵn sàng cho vay cỡ 10%, thậm chí 7%/năm.

Thời điểm đó, đã từng có một số tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trực tiếp đến những “ông lớn” như Vinamilk, Vietnam Airlines, Petro Vietnam, EVN… chào lãi vay cực thấp. Họ sẵn sàng chịu lỗ để cạnh tranh với các ngân hàng thương mại nhà nước, để gia tăng thị phần, để có khách hàng lớn mà phát triển, đan chéo các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng.

Ngoài khả năng chịu lỗ trực tiếp từ tín dụng khi cạnh tranh lãi suất thấp, một số thành viên vận dụng các kỹ thuật và tranh thủ tối đa nguồn vốn chi phí thấp để dồn vào cuộc cạnh tranh này. Điển hình như Eximbank, ngay trong năm 2012, họ tung ra gói lãi suất cho vay VND chỉ 7%/năm, qua chuyển đổi vốn ngoại tệ kèm bảo hiểm rủi ro tỷ giá… Đến nay, nhiều thành viên khác vẫn đang áp dụng kỹ thuật này để có nguồn cạnh tranh trong cho vay.

Như trên, có được khách hàng lớn, thị phần gia tăng. Giới ngân hàng vẫn từng có câu: “lợi nhuận là nhất thời, thị phần là mãi mãi”. Một món vay của khách hàng lớn bằng hàng chục, hàng trăm món vay của khách hàng nhỏ; tương tự là với hợp đồng quản lý dòng tiền, dịch vụ tài chính…

Tuy nhiên, ngược lại, các ngân hàng thương mại Nhà nước có nhiều lợi thế rõ ràng trong cuộc cạnh tranh này. Ngoài nguồn vốn tiền gửi ngân sách, bảo hiểm xã hội, y tế…, thì họ còn có lợi thế về ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau trong nội khối các doanh nghiệp Trung ương. Khối này dĩ nhiên là nhiều ông doanh nghiệp lớn.

Cạnh tranh trên có suốt những năm qua và sẽ tiếp tục. Nhưng, trao đổi với VnEconomy gần đây, lãnh đạo một số ngân hàng ngoài quốc doanh cho biết, họ đang dần từ bỏ, nói là “buông súng” cũng được.

Lý do trước tiên, các ngân hàng ngoài quốc doanh không thể trường kỳ chịu lỗ vì thiếu nguồn giá rẻ để cạnh tranh cho vay. Như hiện nay, khi khối quốc doanh sẵn sàng cho vay “ông lớn” lãi suất chỉ 4-5%/năm, kể cả lôi kéo và lấy khách hàng, thì khối ngoài quốc doanh không thể cứ chịu lỗ cho vay dưới 4%/năm để giữ chân khách hàng hoặc mở rộng thị phần được.

Chuyển hướng và rủi ro

Thay vì cắn răng cạnh tranh cho vay các “ông lớn” khối doanh nghiệp Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã chuyển hướng, tập trung và mở rộng hơn trong cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, cũng như khối khách hàng cá nhân.

Như hai năm gần đây, thị trường đón nhận làn sóng lớn dần từ họ, thúc đẩy ở phân khúc tín dụng tiêu dùng; hoạt động ngân hàng bán lẻ được đẩy nhanh và mở rộng, đi cùng nhiều tiện ích và đổi mới dịch vụ. Dễ thấy nhiều cái tên nổi bật như Techcombank, SHB, VPBank, Sacombank…

Họ phải gom rất nhiều khách hàng nhỏ đó mới bằng một “ông lớn”. Nhưng con đường này đỡ cạnh tranh khắc nghiệt hơn kiểu chấp nhận lỗ để cạnh tranh lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động. Tuy nhiên, rủi ro là khó khăn phải đối mặt, đặc biệt ở mảng tín dụng tiêu dùng.

Khi nhìn nhận về hướng đi gắn với rủi ro này, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói rằng, họ phải chấp nhận, miễn sao tạo được bề dày cơ sở khách hàng, kiểm soát được mức độ rủi ro đó.

“Trong quá khứ, đã có nhiều cảnh báo về rủi ro khi cho vay tiêu dùng, khách hàng doanh nghiệp nhỏ thiếu nền tảng kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh… Thực tế nợ xấu ngân hàng một phần gia tăng từ những mảng này. Nhưng, nếu nhìn lại, chính nợ xấu từ những doanh nghiệp nhà nước cũng lớn không kém”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.

Theo ông, “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước vay món lớn, rủi ro nợ xấu thì quy mô cũng lớn, bằng nợ xấu hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ cộng lại. Đã có nhiều dẫn chứng thực tế, đến nay vẫn chưa khắc phục được, về dạng ông lớn nặng nợ xấu kiểu này.

Cũng theo phó tổng giám đốc ngân hàng trên, có những ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhà nước mức độ lớn, nợ xấu lớn, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên báo cáo lại rất thấp, chỉ 1-2%.

Tổng tài sản rất lớn, tăng ấn tượng, tín dụng và tốc độ tăng cũng cao, mà nợ xấu quá thấp thì quả là thần kỳ trong bối cảnh hiện nay. Biểu hiện rõ nhất trong “mỗi quan hệ thần kỳ” này là lợi nhuận lại kém, trích lập dự phòng rủi ro rất cao.

“Theo tôi, cứ nên ghi nhận cho thực hơn mức độ nợ xấu, chứ cứ để kiểu thấp có 1% trên báo cáo mà thực chất là không đẹp thì thành ra phản cảm”, người trong cuộc trên nói thêm.

Trong khi đó, dù có tỷ lệ nợ xấu cao hơn trên báo cáo tài chính, nhưng lợi nhuận của một số ngân hàng ngoài quốc doanh đang tìm hướng đi ở phân khúc những khách hàng nhỏ, lại không hề thua kém, thậm chí hiệu quả hơn các ngân hàng quốc doanh, nếu xét theo quy mô vốn, tổng tài sản và tổng dư nợ.