16:07 22/09/2014

“Không thể đổ hết lỗi cho nợ xấu”

Minh Đức

“Không thể đổ hết lỗi về khó khăn của nền kinh tế và của doanh nghiệp cho nợ xấu”

Ông Nguyễn Duy Hưng.
Ông Nguyễn Duy Hưng.
Kể từ khi được công khai mức độ vào cuối năm 2011, đến nay nợ xấu vẫn diễn biến phức tạp. Để xử lý hiệu quả hơn, cần tập trung vào hai lĩnh vực chính: tạo lập thị trường mua bán nợ và hoàn thiện, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo đảm thực thi hợp đồng.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank),  người đã nhiều năm công tác trong ngành luật, cũng như từng trực tiếp điều hành việc quản lý tài sản và xử lý nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại.

Quan điểm mà ông Hưng nhấn mạnh khi trao đổi với VnEconomy là: nợ xấu được sinh ra từ thị trường thì cần giải quyết nó bằng các giải pháp thị trường.

Thưa ông, sau hai năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và triển khai đề án xử lý nợ xấu, nợ xấu vẫn tăng lên những tháng đầu năm nay. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến này?

Nợ xấu là hệ quả của cả một giai đoạn tăng trưởng nóng, không hiệu quả. Nó đã, đang và sẽ phát sinh vì cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Chúng ta thấy, tín dụng đã tăng trưởng nóng trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp dùng vốn vay nặng về tăng trưởng quy mô, đầu tư dàn trải, thậm chí cả trong những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình. Nhiều doanh nghiệp lớn nhưng không mạnh do có vốn chủ sở hữu thực ít, vay vốn nhiều, sử dụng vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh để đầu tư dài hạn xây cao ốc, nhà máy... nên bị mất cân đối, thua lỗ.

Sau khi thất bại xảy ra, nhiều trường hợp đã không dừng lại, tiếp tục dùng vốn vay để kéo dài thời gian, dẫn đến càng mất cân đối, càng thua lỗ.

Cũng có một số doanh nghiệp không nằm trong tình cảnh trên, nhưng lại gặp khó khăn do ảnh hưởng dây chuyền từ doanh nghiệp khác dẫn đến không trả được nợ.

Khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thành công khi làm cho nợ xấu bộc lộ và có các giải pháp kiểm soát, xử lý tránh các ảnh hưởng đột ngột với hệ thống ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Nhưng việc xử lý dường như vẫn chưa triệt để, khi mà đã tập trung triển khai với nhiều giải pháp hơn hai năm rồi?

Nợ xấu được sinh ra từ thị trường thì cần giải quyết nó bằng các giải pháp thị trường. Có nhiều giải pháp xử lý nợ xấu khác nhau như sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý, mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu phục hồi lại hoạt động kinh doanh của khách hàng, xử lý tài sản thế chấp hoặc tài sản khác của khách hàng để thu hồi nợ.

Tuy nhiên theo tôi, cần tập trung vào hai lĩnh vực chính: tạo lập thị trường mua bán nợ và hoàn thiện, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo đảm thực thi hợp đồng, trước hết là các hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản.

Nợ xấu là các khoản đầu tư không hiệu quả, coi nợ xấu là hàng hóa thì cần định giá lại các hàng hóa này mới tiêu thụ được. Khi nợ xấu có giá dưới giá gốc, bán xong các ngân hàng (cả những người cho vay và những người quyết định bán nợ) e ngại sẽ phải xác định trách nhiệm với việc không thu đủ gốc này, dù muốn nhưng các ngân hàng hầu như không dám quyết định bán nợ dưới giá gốc.

Hiện hầu như chỉ có VAMC, DATC (do nhà nước thành lập) hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, ngoài ra chưa có các doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ thực sự theo cơ chế thị trường.

Pháp luật đã có các quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quy định về việc mua bán nợ. Tuy nhiên, do thực tế việc mua bán nợ xấu chưa phát triển nên nhiều người cũng e ngại về các rủi ro pháp lý, về quan điểm của các cơ quan pháp luật sau khi mua nợ xấu.

Như vậy, nợ xấu chưa được coi là hàng hóa thực sự, chưa có môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ xấu, chưa có những người kinh doanh nợ xấu. Nếu chúng ta tạo lập được thị trường này thì chắc chắn các nhà đầu tư trong nước sẽ không bỏ lỡ cơ hội.

Không nên nghĩ rằng chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mới có thể mua nợ xấu. Nợ xấu không phải “đồ bỏ đi”, mà là hàng hóa được định giá lại, mua bán nợ xấu là cơ hội kinh doanh mới, khi đó, các tài sản hình thành từ nợ xấu sẽ có các vòng quay mới trong thị trường, tạo ra hiệu quả mới.

Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu bảo đảm thực thi hợp đồng và thực tế thời gian qua?

Việc thực thi pháp luật về hợp đồng là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh.

Thực tế hiện nay khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng hầu như không thể tự xử lý tài sản đảm bảo được. Nếu ngân hàng khởi kiện đề nghị tòa giải quyết, thì gặp vô vàn khó khăn về thủ tục từ khi thụ lý cho đến khi xét xử, thi hành án xong. Các trường hợp kéo dài đến hai, ba năm là phổ biến. Không hiếm những trường hợp kéo dài tới 5 năm, và hơn nữa.

Thực trạng thực thi pháp luật về hợp đồng làm ảnh hưởng đến tiến trình xử lý nợ xấu, làm những nhà đầu tư có ý định mua nợ xấu e ngại.

Không chỉ lĩnh vực ngân hàng, bên vi phạm hợp đồng không bị cưỡng chế thực hiện, bên bị thiệt hại, bị vi phạm thì không được bảo vệ kịp thời. Khi hiện tượng này phổ biến, hành vi không tuân thủ hợp đồng vô tình được cổ vũ.

Như vậy, nợ xấu không chỉ do ngân hàng và xử lý nợ xấu không thể chỉ có ngành ngân hàng.

Ngoài những giải pháp và yêu cầu trên, thời gian qua có một hướng xử lý nợ xấu được chú ý là qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Gần đây có ý kiến một số chuyên gia cho rằng cần bơm tiền tươi cũng như thêm những quyền hạn cho công ty này để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Ông nhìn nhận hướng đề xuất này như thế nào?

VAMC ra đời và mua nợ theo phương thức thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt như vừa qua là bước đi đúng, công khai được nợ xấu, tạo được sự ổn định cho thị trường song song với việc các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng hàng năm và khoản nợ vẫn được tiếp tục quản lý, thu hồi.

Tiền của VAMC hay tiền của các nhà đầu tư cũng như nhau thôi, cần sử dụng theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nếu cấp tiền cho VAMC để mua nợ theo cơ chế thị trường thì nên tạo lập thị trường mua bán nợ, “giải thoát sức ép” cho các ngân hàng trong việc định giá các khoản nợ, khi đó hàng hóa nợ xấu sẽ có thanh khoản tốt hơn.

Tôi thấy ý kiến đề nghị tăng quyền hạn cho VAMC cũng xuất phát từ thực trạng quyền hạn của các ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản, thu nợ không được bảo đảm, dù đã có nhiều quy định pháp luật. Vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề cần bảo đảm quyền của các ngân hàng trong việc xử lý tài sản, thu nợ theo những quy định đã có? Quy định đã có chưa được thực thi trên thực tế, có gì bảo đảm quy định mới với VAMC sẽ hiệu quả?

Bên cạnh đó, việc tạo quyền riêng cho VAMC cũng có thể tạo thêm những xung đột, vướng mắc trong hệ thống pháp luật.

Có thể thấy những giải pháp và vấn đề ông đề cập tới cần phải có thời gian, cũng như cần có sự phối hợp từ nhiều phía chứ không chỉ riêng ngân hàng. Trong khi đó, dường như mọi khó khăn của hoạt động ngân hàng, trong hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp và rộng hơn là sự phát triển của nền kinh tế hiện nay vẫn chịu lực cản lớn từ thực trạng nợ xấu tăng cao?

Nợ xấu là hệ quả của một căn bệnh đã ủ lâu ngày của một cơ thể do nhiều nguyên nhân như có chế độ ăn uống không tốt, không rèn luyện... Nợ xấu có gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, cho nền kinh tế. Nhưng không thể đổ hết lỗi về khó khăn của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp cho nợ xấu.

Không phải tất cả những gì liên quan đến nợ xấu cũng là do nợ xấu, như tăng trưởng tín dụng thấp, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hàng tồn kho cao...

Và ngay trong lúc xử lý nợ xấu, chúng ta cũng cần chữa khỏi căn bệnh làm phát sinh ra nợ xấu. Như thế mới là bền vững.