10:44 25/09/2017

Loạt yếu tố trái chiều khiến giá vàng giằng co

Diệp Vũ

Giới phân tích nói rằng cần có yếu tố tác động mạnh hơn để giá vàng phá vỡ thế giằng co hiện nay

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Vừa được nâng đỡ bởi một số nhân tố hỗ trợ, vừa chịu sức ép giảm từ những nhân tố bất lợi, giá vàng thế giới đang giằng co dưới ngưỡng 1.300 USD/oz. Giá vàng miếng trong nước cũng lình xình quanh ngưỡng 36,7 triệu đồng/lượng và tiếp tục nới rộng chênh lệch với giá quốc tế.

Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,67 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC mua vào tại doanh nghiệp này không thay đổi, nhưng giá bán đã giảm 70.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,52 triệu đồng/lượng và 36,72 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Gần hai tuần nay, giá vàng miếng chững lại quanh ngưỡng 36,7 triệu đồng/lượng, chủ yếu do giá vàng thế giới đảo ngược đà tăng mạnh hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9. Các yếu tố trong nước hầu như ít tác động tới giá vàng miếng, bởi nhu cầu mua-bán đều yếu, trong khi tỷ giá USD/VND giữ xu hướng “bất động”.

Tuy nhiên, do giá vàng trong nước giảm chậm hơn so với giá thế giới, chênh lệch giá giữa hai thị trường lại giãn rộng. Sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, so với mức chênh 1,1 triệu đồng/lượng vào hôm thứ Sáu.

Hồi đầu tháng, khi giá vàng thế giới cao nhất 1 năm và giá vàng trong nước lên 37,3 triệu đồng/lượng, khoảng cách giá vàng trong nước-thế giới giảm về mức chỉ 100.000-200.000 đồng/lượng.

Sau khi lên gần 1.360 USD/oz cách đây nửa tháng, giá vàng thế giới đã tuột dưới mốc 1.300 USD/oz và giằng co dưới ngưỡng này mấy ngày gần đây.

Giới đầu tư vẫn có nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên, nhưng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 lại tạo áp lực mất giá đối với kim loại quý. 

Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất ảm đạm của khu vực châu Á cũng khiến giá vàng khó bứt phá.

Lúc hơn 10h trưa nay, giá vàng giao ngay tại châu Á giảm 4,8 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước tại New York, còn 1.293,3 USD/oz. Trước đó, trong phiên Mỹ hôm thứ Sáu, giá vàng tăng 6,5 USD/oz, tương đương tăng 0,5%, đóng cửa ở 1.298,1 USD/oz.

Giới phân tích nói rằng cần có yếu tố tác động mạnh hơn để giá vàng phá vỡ thế giằng co hiện nay.

Đồng USD đã tăng giá so với đồng Euro trong phiên châu Á sáng nay, sau khi kết quả cuộc bầu cử Đức được công bố.

Bà Angela Merkel đã trúng cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư, nhưng đảng cực hữu AfD lại bất ngờ giành ghế trong Quốc hội Đức. Sự nổi lên của chính đảng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa này khiến giới đầu tư lo ngại về những thách thức mà bà Merkel có thể gặp phải trong việc lập chính phủ liên minh.

Tỷ giá Euro/USD sáng nay có lúc giảm còn 1,186 USD/Euro trước khi hồi phục về mức 1,1906 USD/Euro.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội tiếp tục chững ở mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.740 đồng (bán ra). Ngân hàng Vietcombank báo giá ngoại tệ này ở mức 22.695 đồng và 22.765 đồng, tương ứng giá mua và bán, không thay đổi so với hôm thứ Sáu.