08:08 01/12/2016

Mở phá sản cá nhân, công ty tài chính mới hấp dẫn?

Minh Đức

Thêm diễn biến mới trong xu hướng đầu tư nước ngoài vào công ty tài chính tại Việt Nam

Trong hai năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt triển khai kế hoạch sở hữu công ty tài chính để tập trung và chuyên biệt cho mảng tín dụng tiêu dùng.<br>
Trong hai năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt triển khai kế hoạch sở hữu công ty tài chính để tập trung và chuyên biệt cho mảng tín dụng tiêu dùng.<br>
Ngày 21/11 vừa qua, Ngân hàng Quân đội (MB) đã ký hợp đồng liên doanh và hợp đồng chuyển nhượng vốn Công ty tài chính tiêu dùng (MCredit) với Shinsei Bank - đối tác đến từ Nhật Bản.

Thêm một trường hợp nữa, tổ chức tài chính nước ngoài tham gia đầu tư vào một công ty tài chính Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cũng như có một xu hướng đang hé mở: sau khi sáp nhập hoặc mua lại công ty tài chính trong nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam tái cơ cấu rồi bán lại một phần vốn cho đối tác nước ngoài.

Xu hướng sẽ mở rộng?

MCredit là công ty tài chính tiêu dùng do MB sở hữu 100% vốn, sau sự kiện sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà hồi đầu năm nay. Khá nhanh, với hợp đồng trên, MB sẽ chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank.

Đó là sự nối tiếp xu hướng ngân hàng thương mại mua lại, sáp nhập công ty tài chính rồi bán lại cho đối tác nước ngoài, từng đánh dấu bằng sự kiện Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) mua công ty tài chính của Société Générale rồi bán lại 49% vốn cho Credit Saison (cũng là nhà đầu tư Nhật Bản) hồi đầu năm 2015.

Tương tự, đầu năm 2015, thị trường cũng chú ý với thông tin về kế hoạch Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lấy ý kiến cổ đông chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại công ty tài chính VPBFC - hình thành sau khi mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản (CMF); về sau chuyển đổi và phát triển nhanh với thương hiệu FE Credit…

Cũng chính trường hợp của VPBank, xu hướng trên càng thu hút sự chú ý của các ngân hàng thương mại trong nước, và có thể với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi hai năm gần đây, với thành công nổi bật từ hoạt động của tín dụng tiêu dùng, FE Credit bứt phá chiếm thị phần dẫn đầu thị trường, đóng góp rất lớn vào cơ cấu lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.

Và cuối năm nay, theo lộ trình xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến sẽ đến lượt Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sáp nhập thành công Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Sau đó, có thể đây sẽ tiếp tục là một trường hợp bán một phần vốn công ty tài chính sau sáp nhập cho đối tác nước ngoài theo xu hướng trên (?).

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB từng gợi mở về kế hoạch sáp nhập trên rằng: “Sau khi loại các chàng trai trong nước, đến lượt các chàng trai nước ngoài cũng vào gạ gẫm, mà trai nước ngoài thì thường cao to đẹp trai hơn”.

“Cao to đẹp trai hơn”, nếu theo xu hướng trên, lợi ích đầu tiên là có thể có đối tác mạnh để cùng thúc đẩy, kỳ vọng nữa là giá bán. Hiện các trường hợp bán lại nói trên không công bố giá chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài, nhưng sau sáp nhập, mua lại và xử lý các vấn đề tài chính, giá bán có thể có lợi hơn.

Tuy nhiên, xu hướng trên có thực sự thu hút được sự cộng hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài hay không?

Còn thiếu một cơ chế

Trường hợp HDBank, MB, hay sự nổi bật của mô hình công ty tài chính tiêu dùng tại VPBank, bước đầu đang cho một phần của câu trả lời.

Với SHB, theo đề án sáp nhập VVF, có nhiều điểm lợi ích mà ngân hàng này tính đến trước khi xem xét khả năng bán một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hay không.

Trong đề án, SHB tính toán rằng, mô hình công ty tài chính sau sáp nhập sẽ thúc đẩy ngân hàng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ và mảng tín dụng tiêu dùng. Các cơ hội phát triển cũng có thêm cơ sở khi hai cổ đông sáng lập của VVF là hai tập đoàn lớn, Viettel và Vinaconex.

Và một giá trị cụ thể là tài sản và thực lực của VVF được thấy ngay trước mắt, mà ông Đỗ Quang Hiển từng ví von với cổ đông là “một cô gái đẹp”.

SHB từng khẳng định VVF là công ty tài chính có tình hình sức khỏe tốt nhất trong hệ thống tại thời điểm ngân hàng này tìm hiểu và xúc tiến kế hoạch sáp nhập. Mức độ nợ xấu trước sáp nhập chỉ khoảng 62-65 tỷ đồng, trong khi “cô gái” này có “của hồi môn” lớn, như cấu phần trong dự án tòa nhà khu chợ Mơ (Hà Nội) trị giá khoảng 400 tỷ đồng, cùng bất động sản là trụ sở chính VVF đang có…

Những triển vọng hoạt động, giá trị “của hồi môn”, cũng như việc tái cơ cấu tình hình tài chính sau sáp nhập, nếu SHB tham gia xu hướng bán lại một phần vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài, có thể kỳ vọng được giá tốt.

Thế nhưng, trong xu hướng nói chung trên, theo góc nhìn của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, công ty tài chính Việt Nam, với trục hoạt động chính là tín dụng tiêu dùng, chưa hẳn là đã thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

“Theo góc nhìn của tôi, đầu tư vào phân khúc này mới chỉ là những nhà đầu tư nước ngoài thực sự hiểu được thị trường Việt Nam. Vì đây một lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi Việt Nam vẫn còn thiếu một cơ chế quan trọng để thực sự hấp dẫn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Cụ thể, tại Việt Nam hiện đã có cơ chế cho phá sản doanh nghiệp, nhưng chưa có cơ chế và tuân thủ chuyên nghiệp về phá sản cá nhân - những đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng.

Ông Hiếu dẫn chứng, tại Mỹ hoặc các nước phát triển, cơ chế phá sản cá nhân được tuân thủ chặt chẽ. Một khi cá nhân vay vốn không trả được nợ, tòa tuyên bố cá nhân đó phá sản và trở thành một “vết đen” trong khả năng tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm tài chính, thậm chí cả trong làm ăn…

Còn tại Việt Nam, cơ chế trên chưa có, và tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro cao về trách nhiệm trả nợ, về chế tài xử lý và cho phá sản khi phát sinh rủi ro ở phía cá nhân vay vốn.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng, nếu Việt Nam tiếp cận và mở được cơ chế phá sản cá nhân, tuân thủ chặt chẽ thì thị trường tài chính tiêu dùng mới phát triển chuyên nghiệp và bền vững; công ty tài chính tiêu dùng theo đó mới thực sự hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.