21:28 15/06/2016

Ngân hàng lớn lo an toàn vốn tối thiểu

Nguyễn Hoài

Tăng trưởng tín dụng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đang chiếm 46% thị phần không thể đạt mục tiêu 18% trong năm nay

 Tại BIDV, tăng trưởng tín dụng năm 2016 lẽ ra có thể 18% nhưng nếu muốn an toàn thì tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7%. <br>
Tại BIDV, tăng trưởng tín dụng năm 2016 lẽ ra có thể 18% nhưng nếu muốn an toàn thì tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7%. <br>
Hệ số an toàn vốn tối thiểu bình quân 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đang từ mức 10,8% năm 2011 đang bị tụt xuống 9,4%, chạm ngưỡng tối thiểu 9% của ngân hàng Nhà nước và thấp hơn mức bình quân 10,3% khu vực ASEAN. Nếu giữ ở mức này, tăng trưởng tín dụng của nhóm đang chiếm 46% thị phần không thể đạt mục tiêu 18% trong năm nay.

Đó là nội dung cơ bản trong “Báo cáo yêu cầu tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước” do Trung tâm Nghiên cứu BIDV công bố ngày 14/6/2016.

Vì sao hệ số CAR suy giảm?

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, trong giai đoạn 2011-2015, vốn tự có (phần tử số của hệ số CAR bao gồm vốn chủ sở hữu, các khoản dự trữ và loại trừ một khoản vốn khác theo quy định) của khối tăng trưởng chỉ ở mức 15,43%/năm (chủ yếu do tăng từ vốn điều lệ, phát hành trái phiếu chuyển đổi), đã dẫn đến CAR của khối liên tục sụt giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của ngân hàng Nhà nước, thấp hơn mức bình quân 10,3% của ASEAN.

Xác định nguyên nhân khiến hệ số CAR suy giảm, ông Trần Bắc Hà cho rằng, đầu tiên, do nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (chiếm 46% thị phần tín dụng) phải triển khai nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ, ưu đãi về mặt lãi suất nên khả năng sinh lời thấp. Từ đó, thiếu nguồn lực từ lợi nhuận để tăng vốn.

“Tính riêng tại BIDV, các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi làm giảm thu lãi của ngân hàng khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi năm. NIM (Lãi cận biên sau dự phòng rủi ro) thấp, dẫn đến hệ quả trực tiếp là ROE và ROA của hệ thống hiện nay mặc dù đang được cải thiện nhưng ở mức thấp (ROA 2015 = 0,52%; ROE 2015 = 6,26%), chỉ bằng khoảng một nửa so với giai đoạn 2006-2010”, ông Hà phân trần.

Nguyên nhân thứ hai là trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng trên thế giới đều đang hướng tới tiêu chuẩn Basel III và theo đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng phải áp dụng nhiều biện pháp như thực hiện Thông tư 02, Thông tư 09 nhằm phản ánh nợ và trích lập dự phòng rõ ràng hơn, hoặc như thực hiện Thông tư 36 sửa đổi để tiến gần với thông lệ quốc tế.

Thực tế này đã làm giảm vốn tự có, đồng thời, làm tăng tài sản có rủi ro, dẫn đến hệ số CAR càng thấp đi.

Tìm cách tăng vốn

Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra bộ giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng thuộc nhóm sở hữu nhà nước: Một, tăng vốn từ lợi nhuận để lại gồm: tăng hiệu quả hoạt động bao gồm giảm các khoản chi phí và thưởng; mở rộng NIM và tăng thu phí dịch vụ; giảm chi trả cổ tức và trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Hai, giảm tài sản có rủi ro bằng cách giảm quy mô tín dụng; thắt chặt các cam kết và điều kiện tín dụng; giảm kỳ hạn tín dụng; giảm hay bán các khoản tín dụng, và tái cơ cấu bảng tổng kết tài sản theo hướng giảm tài sản có rủi ro.

Ba, phát hành cổ phần mới thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và tìm kiếm cổ đông mới; lựa chọn cổ đông chiến lược, phát hành trái phiếu tăng vốn. Như tại Trung Quốc, các ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Nhà nước thường sử dụng biện pháp phát hành thêm cổ phần.

Cũng theo ông Trần Bắc Hà, trong trường hợp hệ số CAR tại các ngân hàng thương mại nhà nước giữ nguyên như hiện nay thì mức tăng trưởng tín dụng của nhóm này trong năm nay chỉ tăng được 50% so với chỉ tiêu chung 18% của toàn ngành. Như tại BIDV, tăng trưởng tín dụng năm 2016 lẽ ra có thể 18% nhưng nếu muốn an toàn thì tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7%.

Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng, vốn tự có cao thì mới cung ứng được tín dụng cho nền kinh tế, trong giai đoạn này cần hỗ trợ doanh nghiệp nên đây là vấn đề cần phải lưu tâm không chỉ của ngân hàng Nhà nước mà của các bộ ngành liên quan khác.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính độc lập phân tích: “Tới đây, khi hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản được nâng từ 150% lên 200% thì hệ số CAR còn thấp nữa. Tôi cho rằng, hệ số CAR tại các ngân hàng thương mại nhà nước đang là vấn đề nan giải nhưng với tình trạng ngân sách thâm hụt như hiện nay, BIDV và VietinBank không thể không nộp cổ tức phần vốn nhà nước về ngân sách. Còn chuyện CAR của mấy đơn vị này rủi ro ở mức nào chưa phải chuyện nguy hiểm ngay lập tức”.