17:36 11/07/2015

Ngân hàng ôm vốn chờ sóng hay cày sâu cuốc bẫm?

Minh Đức

Ngay cả một vài ngân hàng bảo thủ nhất cũng đã có dấu hiệu chuyển dần trạng thái

Đến nay đã được một tháng sau sự lặng sóng của tỷ giá, chuyển động lãi 
suất đã định hình, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ít đi những 
con sóng để lướt.
Đến nay đã được một tháng sau sự lặng sóng của tỷ giá, chuyển động lãi suất đã định hình, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ít đi những con sóng để lướt.
Một tháng đã trôi qua, kể từ đợt tỷ giá nổi sóng, thị trường khá lặng. Sự chú ý trong hoạt động ngân hàng chuyển sang lãi suất, từ cái bắt tay của chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ.

Tỷ giá USD/VND lặng, xoay quanh mốc 21.810 VND trên liên ngân hàng, quanh 21.830 VND trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Hết sóng trong ngắn hạn.

Tuyên bố đi cùng hành động

Tại một cuộc “offline” giữa tuần này của một nhóm người trong nghề, có người nói vui: “Hết sóng thì ngồi chơi thôi, đi làm việc khác có lợi hơn”.

Họ cùng kiểm chứng, gần đây ngay cả một vài ngân hàng bảo thủ nhất cũng đã có dấu hiệu chuyển dần trạng thái, thay vì kè kè nâng cao phòng thủ trước tình huống tỷ giá sẽ phá tiếp - quan ngại còn nóng chỉ mới tháng vừa rồi thôi.

Nhìn rộng ra cả hệ thống, dù số liệu không công bố, nhưng trạng thái ngoại tệ đang âm đáng kể. Nó phản ánh kỳ vọng và niềm tin vào định hướng giữ ổn định tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước vừa quyết liệt khẳng định; các ngân hàng chuyển đổi vốn để kinh doanh, bán ra ngoại tệ thay vì găm giữ và phòng thân, mà tín dụng thì đang tăng trưởng tốt.

Ngân hàng Nhà nước định hướng là một chuyện, thị trường, mà ở đây là các ngân hàng thương mại, cần thấy rõ hơn ở những hành động cụ thể. Như bài viết gần đây trên VnEconomy, nhà điều hành có “chơi đẹp” với tỷ giá hay không?

Câu trả lời là tuyên bố đi cùng hành động bán ra đáp ứng các nhu cầu một cách đầy đủ.

Là con số thuộc diện không công bố, nhưng một số bàn luận đáng tin cậy đề cập đến cả kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng trù tính quy mô bán ra bình ổn mức độ lớn từ nay đến cuối năm nếu thị trường cần. Mức độ sẵn sàng đó thậm chí “gây choáng” đối với những tính toán trước đây rằng nhà điều hành phải căn ke, dè xẻn…

Ngược lại, cũng là con số thuộc diện không công bố, nhưng lượng bán ra can thiệp đợt biến động vừa qua theo tính toán của một số tổ chức đầu tư là không quá lớn, mà chủ yếu là thị trường tự cân đối được.

Tỷ giá tạm lặng sóng. Sự chú ý lại chuyển sang lãi suất, với hướng tăng lên. Không phải ngẫu nhiên, cặp lãi suất - tỷ giá vẫn thường có mối quan hệ nghịch; lãi suất VND tăng lên sẽ thuận hơn cho ổn định tỷ giá.

Một đợt thông tin tập trung về lãi suất huy động các ngân hàng tăng, thậm chí có những phản ánh “dồn dập tăng”, “liên tiếp tăng”. Thế nhưng, hẳn giới đầu tư có sự bình tĩnh để quan sát.

Ít đi những con sóng

Kỳ thực lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại chỉ nhích cực nhẹ và lẻ tẻ. Điểm được chú ý hơn là ở cách tăng, cách phối hợp trên thị trường trái phiếu và liên ngân hàng.

Và không khó để nhận thấy có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã xuất hiện; cái bắt tay chặt nhất và cụ thể nhất trong 9 tháng trở lại đây.

Sau loạt phiên đấu thầu không thành công, nguy cơ hụt sâu so với kế hoạch năm trở nên rõ ràng, từ đầu tháng 6, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã được tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Đến nay, mốc 6,4%/năm trái phiếu kỳ hạn 5 năm như một tham chiếu khá hài hòa nhu cầu người mua - kẻ bán.

Cùng đó, Bộ Tài chính đã trở lại “chia sẻ” với áp lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết vốn dư thừa trên thị trường. Từ đầu tháng 6, sau 9 tháng gián đoạn, tín phiếu Kho bạc Nhà nước đã được phát hành trở lại.

Là công cụ ngắn hạn để huy động vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời, tín phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 3 và 6 tháng lập tức hút khách, giúp Bộ Tài chính giải bài toán khó huy động qua kênh trái phiếu. Chỉ sau hơn một tháng, kênh này đã hút được gần 18.000 tỷ đồng.

Nói là Bộ Tài chính “chia sẻ” với Ngân hàng Nhà nước, bởi nhà điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua và hiện nay cũng áp lực với việc hút bớt tiền về, do lượng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ đáo hạn dồn về trong khi các ngân hàng thương mại không còn mặn mà với đầu ra là trái phiếu Chính phủ như năm trước.

“Chia sẻ” chi phí hút bớt tiền về là một chuyện, quan trọng hơn là nếu dư thừa tiền đồng nhiều lại dễ gây nhiễu tỷ giá.

Một điểm được chú ý nữa, khi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có sự phối hợp trên, lãi suất trái phiếu Chính phủ và trên thị trường mở tăng lên, nhưng lại không chọc vỡ mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1. Việc nhiều thông tin phản ánh lãi suất huy động “dồn dập tăng”, “liên tiếp tăng” kỳ thực không đủ để phá vỡ sự phối hợp chính sách trên.

Đến nay đã được một tháng sau sự lặng sóng của tỷ giá, chuyển động lãi suất đã định hình, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ít đi những con sóng để lướt. Thay vào đó, cày sâu cuốc bẫm ở các mảng chính yếu và truyền thống vẫn là trọng tâm.

Tín dụng đã trở lại tăng trưởng trải đều các tháng. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa nới chỉ tiêu cho vay các nhà băng, thậm chí năm nay mức tăng chung có thể tới 17%. Phải cày sâu cuốc bẫm hơn, vì tỷ lệ lãi biên từ tín dụng đã co hẹp so với giai đoạn trước, nên các ngân hàng càng phải lấy lượng bù chất.

Và trong môi trường kinh doanh vẫn còn lắm rủi ro, nợ xấu còn bộc lộ, thì đẩy mạnh dịch vụ sẽ tạo lãi bền vững hơn là ôm vốn đợi chờ các con sóng.

Thậm chí, có lẽ đây mới là mảng mà các ngân hàng cần cày sâu cuốc bẫm hơn cả, theo xu hướng của một ngân hàng và một thị trường hiện đại (dĩ nhiên không phải là chuyện đẻ nhiều loại phí và tăng phí).