15:49 06/07/2016

“Nhảy múa”, giá vàng hướng mốc 40 triệu đồng/lượng

Diệp Vũ

Trong vòng từ khoảng 14h30 đến 15h40, giá vàng đã nhảy từ 38,5 triệu đồng/lượng lên 39,8 triệu đồng/lượng

Diễn biến giá vàng SJC ngày 6/7/201 tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC ngày 6/7/201 tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Trong lúc giá vàng thế giới chững lại, giá vàng miếng trong nước vẫn giữ đà tăng mạnh và đã nhảy qua mốc 39 triệu đồng/lượng, cao nhất trong 3 năm.

Lúc hơn 15h30 chiều nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 38,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

10 phút sau, tức 15h40 tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 38,8 triệu đồng/lượng và 39,8 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Sau khi lần lượt chinh phục ba mốc giá 36-37-38 triệu đồng/lượng trong vòng 3 buổi sáng liên tiếp, giá vàng trong nước chiều nay có những bước leo thang mà có lẽ ít người ngờ tới. Với mốc 39,8 triệu đồng/lượng được thiết lập, giá vàng đã nhảy 4 triệu đồng/lượng trong 3 ngày.

So với thời điểm mới mở cửa sáng nay, giá vàng SJC bán ra hiện đã tăng thêm hơn 2 triệu đồng/lượng.

Trong vòng từ khoảng 14h30 đến 15h30, giá vàng đã nhảy từ 38,5 triệu đồng/lượng lên 39,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua-bán vàng nhiều nơi đã lên tới 1 triệu đồng mỗi lượng.

Biểu đồ giá vàng của DOJI cho thấy đây là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC kể từ tháng 6/2013. Trong vòng 1 tháng trở lại đây giá vàng trong nước đã tăng 6 triệu đồng/lượng.

Theo giới kinh doanh vàng, sự kiện cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh chính là nhân tố “dọn đường” cho đợt tăng giá ày của vàng trong nước.

Thị trường vàng trong nước-thế giới từ lâu không liên thông do Ngân hàng Nhà nước không cấp phép xuất, nhập khẩu vàng vật chất. Tuy nhiên, các diễn biến của giá vàng quốc tế vẫn ít nhiều tác động đến giá vàng trong nước.

Ngoài ra, lực mua vàng của người dân và các nhà đầu tư tăng mạnh thời gian gần đây đã trở thành “chất xúc tác” thúc giá vàng trong nước tăng vọt. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý thị trường vàng, giá vàng trong nước thường tăng-giảm chậm hơn giá thế giới. Tuy nhiên, với nhu cầu vàng tăng mạnh, giá vàng trong nước những ngày này đang “nhảy” nhanh hơn cả giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới chiều nay gần như giữ nguyên mức tăng của buổi sáng. Lúc hơn 15h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở 1.366,5 USD/oz, tăng 9,3 USD/oz so với đóng cửa phiên hôm qua tại New York.

Mức giá này tương đương khoảng 36,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 2,8 triệu đồng/lượng. Tuần trước, giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế quy đổi vài trăm nghìn đồng mỗi lượng.

Nỗi lo của giới đầu tư toàn cầu về ảnh hưởng của Brexit đang là lý do để họ gom mua vàng nhằm tìm kiếm một “hầm trú ẩn”. Sáng nay, giá vàng thế giới đã có lúc vượt ngưỡng 1.370 USD/oz, cao nhất trong hơn 2 năm.

“Không ai có thể hiểu Brexit còn mang tới những rủi ro như thế nào. Đó là một sự bấp bênh mà không ai muốn. Đó là lý do vì sao mà giá vàng tăng cao”, nhà phân tích Helen Lau thuộc công ty chứng khoán Argonaut Securities ở Hồng Kông phát biểu với hãng tin Reuters.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đã nâng dự báo giá vàng từ năm 2016 đến hết năm 2020, nói rằng kim loại quý này có thể đã bước vào giai đoạn đầu của một thời kỳ giá lên (bull-run) mới.

Tuy nhiên, cũng có những nhà phân tích tỏ ra thận trọng. “Giá vàng có thể khó tăng cao hơn. Các nhà đầu cơ giá lên có thể nhân cơ hội này để chốt lời, và bất kỳ sự giảm xuống nào trong tâm lý ngại rủi ro cũng có thể khiến giá mất đi sự hỗ trợ”, nhà phân tích James Steel của HSBC nói trong một báo cáo.