07:03 13/04/2017

Nhiều ngân hàng Việt sắp đến thời kén khách vay?

Minh Đức

Kết thúc quý 1/2017, tăng trưởng tín dụng đạt tới 4,06%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây

Giai đoạn 2012-2016, quy mô tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng tới 78,11% 
để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, còn quy mô vốn điều lệ của toàn hệ thống
 chỉ tăng được 24,54%.
Giai đoạn 2012-2016, quy mô tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng tới 78,11% để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, còn quy mô vốn điều lệ của toàn hệ thống chỉ tăng được 24,54%.
Tối muộn 12/4, rời cuộc họp lãnh đạo các khu vực, chủ tịch một ngân hàng thương mại gọi điện trả lời cuộc gọi nhỡ của phóng viên VnEconomy: “Tăng trưởng tín dụng phải cân đối lại”.

Tín dụng đang là tâm điểm của việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như nổi bật trong hoạt động của các ngân hàng thương mại quý 1 vừa qua: tăng mạnh.

Tăng tốt cũng… lo

Tuần trước, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước trao đổi bên lề với VnEconomy về diễn biến trên: “Cũng khó nói lắm. Những năm trước, khi tín dụng tăng trưởng thấp hoặc bị âm đầu năm, thì nhiều thông tin phản ánh vốn tắc nghẽn, ngành ngân hàng chưa làm tròn trách nhiệm trong thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp. Năm nay, tín dụng tăng đều và tốt từ đầu năm, thì lại có những quan ngại gây áp lực lạm phát, tăng trưởng nóng. Thôi thì mình cứ làm sao cho đúng, cân đối hợp lý nhất, chứ biết sao”.

Kết thúc quý 1/2017, tăng trưởng tín dụng đạt tới 4,06%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Đó là mức bình quân, nên hẳn là có nhiều trường hợp cụ thể cao hơn nữa.

Như trong cập nhật gửi đến VnEconomy cuối tuần qua, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, dù hoạt động đang gặp khó khăn, nhưng thị phần huy động và cho vay vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó tăng trưởng tín dụng quý 1/2017 đã đạt 4,8%.

Trở lại với trường hợp mà vị chủ tịch ngân hàng trên cho biết phải cân đối lại, con số tăng trưởng tín dụng quý 1 vừa qua được tiết lộ lên tới trên 8%. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 28/4 tới, vị lãnh đạo nay dự tính đây sẽ là điểm phải giải thích kỹ cho cổ đông.

Phải giải thích, vì mức tăng trưởng tín dụng chỉ trong quý đầu tiên của năm (có các kỳ nghỉ lễ dài) đã vượt trội đến như vậy. Riêng tại ngân hàng này, trong khoảng chục năm trở lại đây, chưa từng có sự khởi đầu tín dụng mạnh đến như vậy.

Phải giải thích, vì có thể có quan ngại từ cổ đông về dấu hiệu tăng trưởng nóng, cho vay dễ dãi hay không, còn cả quãng đường dài của năm 2017 thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tổng chỉ được 16% mà Ngân hàng Nhà nước giao có bị vỡ hay không?

Nếu Ngân hàng Nhà nước không nới chỉ tiêu, ngân hàng đó khó “dám” phá vỡ. Bởi vì, cuối năm 2016, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã gọi từng thành viên vượt giới hạn chỉ tiêu lên để cảnh cáo, nếu không tiếp tục tuân thủ nghiêm sẽ bị xử lý.

Sẽ tăng sàng lọc

Cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng thành viên cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước vững chân trước những quan ngại rằng tín dụng đầu năm tăng mạnh như vậy có thể gây áp lực lạm phát, tăng trưởng nóng… Vì, chung cuộc, giới hạn tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn được kiểm soát bằng cơ chế trên.

Đáng chú ý hơn là dòng chảy vốn ngân hàng đang có dấu hiệu thay đổi theo tốc độ tăng trưởng tín dụng cao đó. Nói cách khác, thời vốn ngân hàng kén chọn hơn dường như đang bắt đầu.

Tại cuộc họp kết thúc tối muộn 12/4, vị chủ tịch ngân hàng trên cho biết, ông và lãnh đạo các khu vực, chi nhánh đã thống nhất phương án: căn chỉnh lại cơ cấu khách hàng và hiệu quả sử dụng vốn, vừa là ứng xử vừa là cơ hội khi tín dụng tăng trưởng tốt.

“Ngay đầu năm hoạt động cho vay đã rất thuận lợi, tín dụng tăng trưởng cao như vậy, trong khi chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước cho phép cả năm chỉ 16%, thì chúng tôi sẽ phải kén chọn hơn nữa các dự án, nhu cầu vay vốn. Khi số lượng bị khống chế, thì sẽ đầu tư hơn cho chất lượng”, vị chủ tịch ngân hàng trên nói.

Theo đó, ngân hàng sẽ sàng lọc để cho vay những dự án, nhu cầu vốn an toàn hơn nữa, có chất lượng sử dụng vốn và tài sản đảm bảo tốt hơn nữa. Điều này càng giúp nâng cao chất lượng tín dụng.

“Từ nửa cuối năm 2016, chúng tôi đã nhận thấy trước điểm này, nên đã siết lại. Không chạy theo kiểu cạnh tranh vô lối, cho vay với lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất huy động, mà khi cho vay thuận lợi hơn thì sẽ tập trung ở những khách hàng cho hiệu quả sử dụng vốn hơn. Chúng tôi cũng khẳng định là loại trừ những khách hàng có biểu hiện vay tay trái gửi tay phải, vay ở mình lãi suất thấp đi gửi chỗ khác lãi suất cao. Với triển vọng tín dụng tăng trưởng tốt như hiện nay và đến cuối năm, việc sàng lọc này tôi tin là sẽ mở rộng ở nhiều ngân hàng”, người trong cuộc trên dự tính.

Ông cũng lưu ý, tăng trưởng tín dụng cao thể hiện đầu năm ở một số ngân hàng là tín hiệu tốt của sức cầu của nền kinh tế, là cơ hội để sàng lọc khách hàng cho chất lượng tín dụng, nhưng sẽ không dẫn đến một năm 2017 tín dụng tăng trưởng nóng.

Bởi lẽ, bên cạnh cơ chế kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tới từng thành viên mà Ngân hàng Nhà nước đang làm, thì năng lực của các ngân hàng là có giới hạn.

Lượng sức đi xa


Như VnEconomy đề cập ở bài viết trước, sau nhiều năm dồn lại, như quãng 2012-2016, quy mô tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng tới 78,11% để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế, còn quy mô vốn điều lệ của toàn hệ thống chỉ tăng được 24,54%.

Cùng đó, tốc độ tăng vốn chậm và đang khó đẩy mạnh này còn phải gánh cho quy mô tốc độ tăng tổng tài sản lên tới 67,2%, mà ảnh hưởng cụ thể là hệ số an toàn vốn suy giảm.

Sức trụ của mỗi đôi chân là có hạn, ngoại trừ được tiếp tục gia cố bằng các kế hoạch tăng vốn điều lệ thành công. Điểm ngoại trừ này hiện đang nhìn về phía ngân sách Nhà nước, khi khối ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối đang chiếm trên 50% thị phần tín dụng, nhưng lại rất khó tăng vốn những năm gần đây.