08:00 12/06/2017

OCB tiến đến ngân hàng lớn mạnh

Minh Tú

OCB đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường tài chính Việt Nam

Khách hàng giao dịch tại OCB.<br>
Khách hàng giao dịch tại OCB.<br>
Từ nỗ lực với khách hàng đến xây dựng hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường tài chính Việt Nam với những thành công và đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam.

Thay đổi

Giai đoạn 2011-2015 khi các nhà băng loay hoay trong việc tìm hướng đi đúng đắn cho mình thì OCB đã nhanh chóng có sự định vị rõ ràng từ thương hiệu đến chiến lược kinh doanh phù hợp để bắt đầu cho giai đoạn đổi mới thực sự.

Liên tiếp vài năm, nhà băng này thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để xây dựng lại hệ thống vận hành nội bộ và hệ thống quản trị rủi ro, những nền tảng quan trọng cho một ngân hàng bán lẻ hiện đại trong tương lai.

Từ việc hoàn thiện hệ thống phòng chống rửa tiền đến dự kiến trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, cải tiến hệ thống quy trình vận hành, cơ sở công nghệ…OCB đã thực hiện những bước đi quan trọng cho một ngân hàng hiện đại và hội nhập với các ngân hàng thế giới.

Nhờ quyết liệt tái cơ cấu và không ngừng tập trung phát triển nội lực, đến nay, toàn bộ cơ cấu tổ chức của OCB đã hoàn thành chuyển đổi đúng theo thiết kế ban đầu, hội tụ các yếu tố: sản phẩm dịch vụ đa dạng, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh về tổng tài sản và lợi nhuận.

Từ cuối năm 2016, OCB đã chứng minh và khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính với tốc độ tăng trưởng cao; tỷ suất lợi nhuận ~ 10%; chất lượng tài sản tốt, nợ xấu thuộc Top 7 ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.

OCB đã thực sự có quá trình thay đổi và vươn tầm bắt nguồn từ sự tận tâm với khách hàng, nắm bắt từng nhu cầu và đồng hành cùng những trăn trở để phục vụ từng phân khúc khách hàng khác nhau.
 
Tiến đến một ngân hàng lớn mạnh


Sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc để tạo dựng một nền tảng vững chắc, từ năm 2016 đến nay OCB đã tạo được dấu ấn riêng của một ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Theo báo cáo mới nhất của OCB, tính đến ngày 31/5, Ngân hàng đã đạt kết quả tăng trưởng tốt: Tổng tài sản đạt 66,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2016 và tăng 29% so với cùng kỳ 2016. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt hơn 42,8 nghìn tỷ, tăng 8% so với cuối năm 2016 và tăng 22% so với cùng kỳ 2016. Huy động thị trường 1 đạt hơn 50,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2016 và tăng 32% so với cùng kỳ 2016.

Lợi nhuận trước thuế đạt 384 tỷ, tăng 117% so với cùng kỳ 2016.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, chia sẻ: “Ở giai đoạn chiến lược mới, OCB lấy tốc độ tăng trưởng và thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng làm các tiêu chí quan trọng cho sự phát triển. Vì vậy, trong những tháng tiếp theo của năm 2017, OCB tiếp tục nỗ lực để mở rộng thị phần, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo cơ cấu mới với sự chuyên môn hóa rõ ràng và nâng cao hiệu suất lao động; củng cố và đạt chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro để đến gần hơn với mục tiêu hướng đến một ngân hàng hiện đại, đa năng dẫn đầu về bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc Top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam”.

Với 21 năm phát triển, nhà băng này từng bước định vị mình cả về thế và lực sau những chứng nhận của các tổ chức trong nước và quốc tế như: đánh giá tín nhiệm cao của Moody’s; doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng thịnh vượng của Việt Nam Report; Thương hiệu mạnh Việt Nam,…Và quan trọng hơn, thương hiệu OCB là một ngân hàng đã dần trở nên quen thuộc hơn với nhiều khách hàng.