15:44 01/08/2016

Sacombank và Eximbank “cởi áo” sớm

Vũ Ca

Hai đặc điểm riêng đang phản ánh ở kết quả kinh doanh tại hai ngân hàng từng tốp đầu lợi nhuận

Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Sacombank và Eximbank có thể sẽ vẫn còn thể hiện trong các kỳ báo cáo nối tiếp.
Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Sacombank và Eximbank có thể sẽ vẫn còn thể hiện trong các kỳ báo cáo nối tiếp.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016. Điểm chung, nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận giảm sút.

Trước kỳ báo cáo này, hai ngân hàng trên đều gắn với những đặc điểm riêng. Sacombank đang phải từng bước hòa tan những tồn tại từ Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sau sáp nhập cuối năm trước. Eximbank tiếp tục quan điểm “làm sạch sẽ từ trong ra ngoài” trong bối cảnh cơ cấu nhân sự và tiếng nói cổ đông vẫn chưa thống nhất.

Với những đặc điểm trên, khó khăn là dĩ nhiên, kết quả kinh doanh theo đó không gây nhiều bất ngờ. Xem xét cụ thể hơn có thể thấy, cả hai đều đang “cởi áo” sớm, theo góc độ của sự minh bạch, thay vì trì hoãn sự thể hiện các điểm xấu vào cuối năm.

Tại Eximbank, điểm bất ngờ lớn nhất là tỷ lệ nợ xấu đã tăng vọt từ mức 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016. Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng mạnh, hơn 661 tỷ đồng nửa đầu năm nay so với chỉ hơn 166 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả trên cho thấy khó khăn đang đè nặng Eximbank. Song, nó cũng phản ánh quan điểm mà Hội đồng Quản trị đưa ra thời gian qua: sẽ ghi nhận những rủi ro và tiến hành trích lập dự phòng luôn, thay vì dồn vào thời điểm cuối năm như cách làm trước đây.

Lợi nhuận trước thuế theo đó bị ảnh hưởng mạnh, sau trích lập dự phòng chỉ còn 79,2 tỷ đồng nửa đầu 2016, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 567 tỷ đồng.

Điểm sáng hiếm hoi trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của Eximbank là lượng tiền gửi khách hàng tăng lên: đạt 100.728 tỷ đồng so với mức 98.430 tỷ đồng cuối 2015.

Tiền gửi luôn là một thước đo để tham khảo về uy tín và thị phần của ngân hàng, niềm tin của người gửi tiền. Nhưng có một điểm liên quan, nửa đầu năm nay Eximbank là một trong những thành viên có chương trình huy động với lãi suất gần như cao nhất trên thị trường.

Ngược lại, thị phần cho vay của Eximbank tiếp tục mất đi, khi cuối quý 2/2016 tổng dư nợ chỉ còn 79.763 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 83.890 tỷ đồng tại ngày 31/12/2015.

Phản ánh chung về thị phần và quy mô, tổng tài sản của Eximbank cũng tiếp tục giảm sút trong nửa đầu năm nay, còn 121.683 tỷ so với 124.850 tỷ cuối năm trước.

Tại Sacombank, tương tự là lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và nợ xấu tăng lên khá mạnh.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Sacombank chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6/2016 tăng lên 2,83%, trong khi cuối 2015 chỉ 1,85%.

Sacombank đã có thông tin giải trình về kết quả trên. Còn nguyên nhân chung nhất, khó khăn từ việc sáp nhập Southern Bank đang là điểm níu kéo đối với ngân hàng này, mà trước đó Hội đồng Quản trị đã trù tính phải mất vài ba năm nữa mới có thể cân bằng trở lại.

Khác với Eximbank, tổng tài sản của Sacombank trong nửa đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng trưởng với 6,8%, đạt trên 312 nghìn tỷ đồng. Thị phần của Sacombank vẫn được củng cố, khi cả huy động và cho vay 6 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng trưởng khá, tương ứng 7,2% và 7,1%.

Với hai đặc điểm nói trên, cùng với khả năng có thể có xáo trộn nhất định về cơ cấu quản trị điều hành thời gian tới, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của Sacombank và Eximbank có thể sẽ vẫn còn thể hiện trong các kỳ báo cáo nối tiếp.