15:43 22/04/2016

“Sức khỏe” SHB sau sáp nhập và trước dự kiến sửa Thông tư 36

Hoàng Vũ

Sự tăng trưởng về quy mô tổng tài sản cho thấy, thị phần của ngân hàng này đang mở rộng khá nhanh

Năm 2016, nguồn vốn chủ sở hữu của SHB dự kiến sẽ tăng lên 12.980 tỷ 
đồng (tăng 15,3%), vốn điều lệ là 11.197 tỷ đồng (tăng 18%); tỷ lệ an 
toàn vốn (CAR) theo đó sẽ cao hơn năm 2015.
Năm 2016, nguồn vốn chủ sở hữu của SHB dự kiến sẽ tăng lên 12.980 tỷ đồng (tăng 15,3%), vốn điều lệ là 11.197 tỷ đồng (tăng 18%); tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo đó sẽ cao hơn năm 2015.
Ngày 21/4, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Triển vọng lợi nhuận và tình hình sức khỏe là một nội dung có trong chất vấn từ cổ đông.

Cổ đông quan tâm điểm này, vì sau hơn ba năm sáp nhập Habubank, SHB tiếp tục sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).

Và trong hướng vận động của chính sách, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ sửa Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo hướng chặt chẽ và cao hơn.

Giải đáp, lãnh đạo SHB đưa ra các thông tin lạc quan.

Cụ thể, với việc sáp nhập VVF, như đã giải trình tại đại hội bất thường hồi tháng 10/2015, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho rằng, đây là một trong những công ty có tình hình tài chính “sạch sẽ” nhất trong số các công ty tài chính thuộc diện tái cấu trúc hiện nay.

Tuy có một vài khó khăn, song VVF có tỷ lệ nợ xấu thấp và các khoản nợ này đều  có tài sản đảm bảo. Hiện nay một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng.

Cụ thể hơn, cổ đông đặt câu hỏi trực tiếp về khả năng đáp ứng của SHB về tỷ lệ an toàn vốn, cũng như những tác động khác từ tình huống sửa đổi Thông tư 36 mà Ngân hàng Nhà nước đã định hướng.

Trước tác động dự kiến đó, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí một số chỉ tiêu về năng lực tài chính và an toàn hoạt động sẽ tiếp tục được nâng cao trong năm nay.

Tác động lớn nhất từ định hướng sửa Thông tư 36 là khả năng nâng hệ số rủi ro liên quan đến cho vay bất động sản, từ 150% lên 250%, ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Nhưng theo ông Lê, CAR của SHB hiện ở mức khá cao, đến cuối 2015 là 11,4% trong khi Ngân hàng Nhà nước quy định mức tối thiếu là 9%. Dư nợ cho vay bất động sản của SHB đến cuối 2015 là 9.315 tỷ đồng, chỉ chiếm 7,1% tổng dư nợ.

Cũng theo định hướng sửa Thông tư 36, giới hạn tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40%. Tại SHB, tỷ lệ này chỉ ở mức 32,4%, nằm sâu dưới giới hạn quy định mới nếu có điều chỉnh.

Với những dự kiến tác động điều chỉnh Thông tư 36 nói trên, ông Lê khẳng định, SHB vẫn chủ động đáp ứng tốt các giới hạn yêu cầu và hoạt động kinh doanh không bị nhiều ảnh hưởng hoặc xáo trộn.

Thậm chí, với kế hoạch đã định hình, năm nay dự kiến các chỉ số an toàn của SHB sẽ tiếp tục được nâng cao.

Cụ thể, tại đại hội trên, các cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong đó có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với kế hoạch này, cổ đông tiếp tục góp sức để củng cố năng lực tài chính và an toàn hoạt động cho SHB trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn hơn.

Năm 2016, nguồn vốn chủ sở hữu của SHB dự kiến sẽ tăng lên 12.980 tỷ đồng (tăng 15,3%), vốn điều lệ là 11.197 tỷ đồng (tăng 18%); tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo đó sẽ cao hơn năm 2015.

Ở một triển vọng khác, năm nay SHB đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 32,7% so với 2015. Cổ đông băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng này, trong khi dự tính tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 20%.

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, trong kế hoạch kinh doanh 2016, Hội đồng Quản trị đã có chủ trương rõ ràng, yêu cầu Ban Điều hành đưa ra giải pháp tăng tỷ lệ thu từ dịch vụ - một điểm nổi bật của SHB những năm gần đây.

Ngoài ra, cũng theo ông Hiển, trong năm nay, SHB sẽ có lợi nhuận từ công ty tài chính bán lẻ tiêu dùng và lợi nhuận từ việc cấu trúc lại tài sản. SHB có kế hoạch tái cấu trúc danh mục tài sản là bất động sản nhằm tăng lợi nhuận cho cổ đông.

Về chỉ tiêu tổng tài sản, cuối năm 2015, SHB đã đạt 204.704 tỷ đồng. Năm 2016, ngân hàng này đặt kế hoạch tăng trưởng thêm 14%.

Sau sáp nhập Habubank, sự tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB những năm gần đây cho thấy, thị phần của ngân hàng này đang mở rộng khá nhanh.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn, nợ xấu vẫn là khó khăn nổi bật của hệ thống ngân hàng nói chung, việc gia tăng được thị phần có giá trị lâu dài hơn là con số lợi nhuận nhất thời.