12:39 04/08/2016

Techcombank và câu chuyện “chủ động đổi mới”

Thùy Linh

Phó tổng giám đốc điều hành Techcombank đánh giá hoạt động của ngân hàng trong nửa đầu 2016

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc điều hành Techcombank.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc điều hành Techcombank.
“Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ. Chỉ 2-3 năm nữa, đối thủ cạnh tranh mà chúng tôi phải đối mặt không phải là các ngân hàng trong nước, mà là những ngân hàng khu vực và quốc tế”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bình luận, trong cuộc trao đổi về hoạt động của ngân hàng trong nửa đầu 2016.

Ông nói:

- Trong khi đó, nền kinh tế trong thời gian tới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn sẽ là một thách thức lớn.

Ngoài ra, những bất ổn từ môi trường bên ngoài, bao gồm sự kiện Brexit gần đây, và cách Chính phủ và các doanh nghiệp phản ứng trước những thách thức này cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể.

Do vậy, chúng tôi không còn con đường nào khác là phải đổi mới ngay từ bây giờ. Đây là vấn đề sống còn của ngân hàng. Nếu chúng tôi không chủ động đổi mới từ bây giờ, 2-3 năm nữa liệu chúng tôi có cơ hội phấn đấu được hay không?

Phương châm của chúng tôi là phấn đấu không ngừng, bởi trong tình thế “chèo thuyền ngược nước” như hiện nay, nếu mình không tiến lên, nghĩa là đang thụt lùi.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 không đạt được như kỳ vọng. Điều này, theo đánh giá của ông, ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp và ngành ngân hàng?

Đối với ngành ngân hàng, thì mối tương quan với nền kinh tế vĩ mô rất rõ rệt. Tăng trưởng của ngân hàng đi song song theo tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Khi GDP tăng mạnh thì ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh hơn và ngược lại.

Như chúng tôi quan sát, mặc dù tăng trưởng quý 1 năm nay không ấn tượng như năm ngoái, đạt mức 5,5% so với 6,3% của năm ngoái, nhưng kinh tế nhìn chung vẫn đang phát triển ổn định. Trong đó, khu vực FDI tăng trưởng mạnh và ngành công nghiệp sản xuất khá vững chắc.

Sự ổn định kinh tế đã giúp duy trì sự ổn định của ngành tài chính - ngân hàng. Có sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái ở thanh khoản dồi dào hơn, và tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể.

Trong bối cảnh chung như vậy, thì kết quả hoạt động của Techcombank trong 6 tháng vừa qua ra sao?

Như tôi vừa mới đề cập, mặc dù ngành ngân hàng tăng trưởng chậm hơn chút so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Và trong bối cảnh đó, Techcombank may mắn hơn.

Tính đến thời điểm này, Techcombank đã vượt kế hoạch 6 tháng bán niên cả về lợi nhuận và doanh thu, với tổng lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.

Đó là thành tích mà bản thân chúng tôi - khi đặt trong bình diện chung của cả thị trường - trước đó cũng không dám kỳ vọng. Điều này cũng cho thấy, sự nhất quán chuyển đổi trong chiến lược của Techcombank đang đi là đúng hướng.

Ông có thể nói rõ hơn, sự nhất quán của chiến lược chuyển đổi này là gì, và đã bắt đầu từ bao giờ?

2016 là năm đầu tiên Techcombank thực hiện chiến lược 5 năm (2016-2020) với những cải tiến mạnh mẽ. Việc tích cực trích lập dự phòng đầy đủ và quản lý nợ xấu chặt chẽ cũng giúp ngân hàng chủ động kiểm soát nguồn lợi nhuận.

Nhưng có thể nói, điều đặc biệt của Techcombank trong năm vừa qua là chúng tôi đã tập trung xây dựng nền tảng con người. Đã có nhiều sự đổi thay trong suy nghĩ, cách làm của từng cán bộ nhân viên.

Sự chuyển biến quan trọng nhất là hiện nay, các cán bộ nhân viên của Techcombank đều thấm nhuần rằng, tất cả khách hàng từ khách hàng cá nhân cho đến khách hàng doanh nghiệp đều có nhu cầu phát triển. Vậy làm thế nào để ngân hàng có thể hiểu được nhu cầu đó? Làm thế nào để giúp họ đạt được mục tiêu tài chính mong muốn?

Trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên là phải hiểu được khách hàng cần gì, chúng tôi phải làm thế nào để đem giải pháp đến cho họ? Điều này hoàn toàn khác với việc làm thế nào để khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn.

Sự chuyển biến trong tư duy, để thay đổi cách nghĩ và cách làm, chắc không thể có trong ngày một, ngày hai?

Đúng vậy, vấn đề thay đổi tư duy của cán bộ nhân viên ngân hàng không phải một sớm một chiều mà có.

Bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện nhiều đợt truyền thông liên tục thông điệp này, trong phạm vi toàn ngân hàng, và cho từng vùng một, để cả 7.500 người trong toàn hệ thống đều nghe, đều biết và đều thấm nhuần cách suy nghĩ và làm việc này.

2016 cũng là năm Techcombank được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế như giải “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam”. Các ông có hài lòng với sự ghi nhận này?
 
Chúng tôi tự hào về những giải thưởng được trao tặng, nhưng đó không phải là mục tiêu, mà là những cột mốc trong hành trình phát triển của ngân hàng.

Mục đích cuối cùng của Techcombank luôn là làm thế nào để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Những giải thưởng do các tổ chức chuyên môn có uy tín trao tặng, cho thấy chúng tôi đang đi đúng đường, và đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực.