08:41 13/01/2016

Tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ từ ngừng in tiền mệnh giá nhỏ

Kim Ngân

Bốn năm qua Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền mới in có mệnh giá nhỏ

Các ngân hàng thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán tiếp tục 
thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các 
loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, 
chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông.
Các ngân hàng thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông.
Ngày 12/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo để thông tin về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động dịch vụ ATM trong dịp Tết Nguyên Đán Tết Bính Thân 2016.

Tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước triển khai các nghiệp vụ cung ứng, điều hòa tiền mặt, bảo đảm đáp ứng khối lượng tiền và cơ cấu mệnh giá các đồng tiền trong lưu thông, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ một cách hợp lý tiết kiệm trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân như ba năm trước đã làm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000đ trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

Đây là năm thứ tư Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương này. Việc sử dụng lại tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông đã tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành… cho ngân sách nhà nước trong bốn năm qua khoảng 1.500 tỷ đồng.

“Trong điều kiện ngân sách hiện nay, việc tiết kiệm này là hết sức có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội”, ông Đào Minh Tú nói.

Về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt vào dịp Tết sắp tới, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến phải khất, hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng; thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các ngân hàng thương mại đảm bảo đủ tiền mặt cho máy ATM và nhu cầu thu, chi tiền mặt cần thiết đột xuất khác...

Trong các ngày từ 1-5/2/2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời gian hoạt động của hệ thống thanh toán liên ngân hàng cuối mỗi ngày làm việc thêm 1 giờ để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán tăng cao của các tổ chức, cá nhân vào những ngày giáp Tết.