14:36 11/05/2015

TPBank và chiến lược “ngân hàng số”

Thu Hương

TPBank tìm cách ứng dụng công nghệ vào tất cả các lĩnh vực hoạt động và tất cả các nghiệp vụ trong ngân hàng

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank.
Vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông và kỷ niệm 7 năm thành lập, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đang hướng tới nhiều mục tiêu tham vọng.

"Sau khi đạt được những kết quả ngoạn mục về mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 140% so với năm 2013 và vượt 122% kế hoạch năm 2014, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này trong năm 2015, nhắm tới mục tiêu lọt vào nhóm các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam", ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nói.

"Trong năm qua, TPBank đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lành mạnh cùng với việc quản lý chất lượng tín dụng tốt, đồng thời duy trì và quản lý cơ cấu tài sản nợ - tài sản có một cách hợp lý. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, thẻ, kinh doanh nguồn vốn và ngoại hối... của ngân hàng đều có hiệu quả cao".

Về tỷ lệ nợ xấu, ông có thể cho biết những biện pháp cụ thể của ngân hàng để kiểm soát những khoản nợ này?


Chúng tôi đã tích cực chủ động trong việc xử lý và thu hồi các khoản nợ cũ, đồng thời không để phát sinh các khoản nợ xấu mới.

Quy trình xử lý và phê duyệt các hồ sơ cấp tín dụng được thực hiện hết sức chặt chữ và kỹ lưỡng, tập trung hóa tại hội sở, đồng thời việc giải ngân cũng được quản lý tập trung, giúp hạn chế được các rủi ro phát sinh.

Hoạt động giám sát tín dụng, kiểm soát sau vay, cảnh báo sớm, phân luồng và giải pháp xử lý tín dụng, đôn đốc nhắc nợ... cũng được chú trọng nên đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hạ tỷ lệ nợ xấu.

Cá nhân ông nhận định thế nào về thị trường ngân hàng trong thời gian sắp tới, cũng như phân khúc thị trường mà TPBank hướng đến?

 
Sẽ có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường, chỉ các ngân hàng có sản phẩm tốt, chính sách giá hợp lý, dịch vụ chuyên nghiệp thì mới có khả năng cạnh tranh.

Đối với TPBank, chúng tôi xác định đối tượng khách hàng cá nhân sẽ là mục tiêu chiến lược ưu tiên, trong đó chú trọng đến các sản phẩm vay có thế chấp nhà ở và xe hơi, cho vay tiêu dùng và thẻ, đồng thời đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ và bán sản phẩm qua kênh điện tử vốn là thế mạnh của ngân hàng.

Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, TPBank sẽ tập trung vào các khách hàng lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các ngành sản xuất, các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp-nông thôn, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, bên cạnh việc duy trì và phát triển việc tài trợ cho các ngành khác mà TPBank có thế mạnh và có truyền thống, kinh nghiệm.
 
Từ ngày đầu thành lập, các ông đã có thế mạnh về nền tảng công nghệ do thừa hưởng từ cổ đông sáng lập là tập đoàn FPT, bản thân ông cũng là một lãnh đạo ngân hàng am tường về công nghệ. Với TPBank hiện nay, nền tảng công nghệ đang có vai trò như thế nào?


Tất cả các hoạt động của ngân hàng trong thời đại ngày nay đều phụ thuộc vào công nghệ, do vậy TPBank chỉ có thể hoạt động tốt nếu có cơ sở hạ tầng công nghệ tốt, có các giải pháp tin học tốt, bộ máy vận hành tốt và đội ngũ phân tích nghiệp vụ, lập trình viên chuyên nghiệp.

Với định hướng chiến lược là trở thành "ngân hàng số", ứng dụng công nghệ vào tất cả các lĩnh vực hoạt động và tất cả các nghiệp vụ trong ngân hàng, chúng tôi đã và đang đầu tư một nguồn lực đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới và ứng dụng các công nghệ mới nhất vào các sản phẩm, dịch vụ để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng.

* Theo kết quả báo cáo trước đại hội thì kết thúc năm tài chính 2014, tổng tài sản của TPBank đã vượt qua mốc 51.000 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch cả năm. Mục tiêu năm 2015 của TPBank là nâng tổng tài sản lên trên 70.000 tỷ đồng, tăng 36% so với 2014, huy động vốn đạt trên 59.200 tỷ đồng, tăng 126% so với 2014, dư nợ tín dụng đạt hơn 40.400 tỷ đồng tăng 170% so với 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, tăng 115% so với 2014. Chất lượng tín dụng vẫn duy trì tốt và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2%.