10:21 08/05/2015

Trái chiều góc nhìn việc Việt Nam tăng tỷ giá

Diệp Vũ

Giới chuyên gia nước ngoài đưa ra ý kiến khác nhau về việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá VND/USD chính thức

Trong lần tăng tỷ giá chính thức này, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ 
giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD, 
tương đương mức điều chỉnh tăng 1% - Ảnh: Reuters.
Trong lần tăng tỷ giá chính thức này, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD, tương đương mức điều chỉnh tăng 1% - Ảnh: Reuters.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng động thái tăng tỷ giá VND/USD chính thức mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra hôm qua (7/5) nhằm hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia không đồng tình với quan điểm này.

“Duy trì sức cạnh tranh trong xuất khẩu là điều rất quan trọng đối với Việt Nam”, ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Credit Agricole tại Hồng Kông, nhận xét.

“Ảnh hưởng của việc tăng tỷ giá lần này sẽ không lớn, bởi mức tăng chỉ là 1%, nhưng sẽ có lợi cho các công ty xuất khẩu và sẽ hỗ trợ cho cán cân thanh toán cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Kowalczyk nói trong cuộc trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,2%, chậm nhất kể từ năm 2010. Từ đầu năm đến nay, VND giảm giá 1,3%, đặt các công ty xuất khẩu của Việt Nam vào thế bất lợi trong tương quan so sánh với các đối thủ đến từ Indonesia và Malaysia. Đồng tiền của hai nước này đã giảm giá tương ứng 5,7% và 2,9% trong cùng khoảng thời gian.

Trong lần tăng tỷ giá chính thức này, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD, tương đương mức điều chỉnh tăng 1%.

Theo ông Paul Mackel, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường ngoại hối mới nổi của ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, quyết định này được đưa ra “sớm hơn một chút” so với dự kiến.

“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không có thêm động thái chính sách nào nữa trong năm nay”, ông Mackel viết trong một báo cáo.

Nhà phân tích tiền tệ cấp cao Christoper Wong thuộc ngân hàng Maybay ở Singapore cũng đồng tình với quan điểm Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá chính thức để hỗ trợ cho xuất khẩu.

“VND thực tế đã mạnh hơn nếu so với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á”, ông Wong nói. “Ảnh hưởng của một đồng tiền mạnh tương đối không phù hợp với một nền kinh tế đang muốn thúc đẩy tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh”.

Trái với quan điểm của chuyên gia Mackel, chuyên gia Wong cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ còn điều chỉnh tỷ giá trong thời gian từ nay tới cuối năm. “Kỳ vọng của tôi là VND sẽ còn được giảm giá thêm, bởi các đồng tiền khác trong khu vực đều đã giảm 4-5%”, ông Wong nhận xét.

Khác với cách nhìn của các chuyên gia nói trên, chuyên gia của ngân hàng HSBC không cho là việc điều chỉnh tỷ giá vừa được thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Theo HSBC, “những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức”.

Thay vào đó, HSBC cho rằng, việc thay đổi tỷ giá chính thức lần này là một biện pháp chủ động của Ngân hàng Nhà nước nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và cải thiện cán cân thanh toán.

Chiến lược gia về ngoại hối Irene Cheung của ngân hàng ANZ ở Singapore cũng nhấn mạnh phương diện này. “Giảm giá đồng nội tệ không phải là không tốt bởi cán cân thương mại có phần xấu đi”, bà Cheung phát biểu.

Ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ đầu tư VinaCapital đánh giá tích cực về động thái tăng tỷ giá USD/VND chính thức. “Đây là thời điểm tốt để giảm giá đồng nội tệ, bởi VND đã chịu áp lực tăng trong nhiều tuần, thậm chí mấy tháng nay”, ông Alan Phạm nói.

Tương tự, ngân hàng HSBC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể đã tận dụng cơ hội từ diễn biến tỷ giá USD/VND trên thị trường và mức lạm phát trong nước thấp “để điều chỉnh tiền đồng một chút”.