10:29 24/01/2017

Từ khó khăn, NCB bắt đầu báo lãi tăng hơn 90%

Hiền Vân

Năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, NCB chủ động báo cáo nhanh kết quả kinh doanh

Tính đến cuối 2016, tổng tài sản của NCB ở mức 69.035 tỷ đồng,
 tăng 43,1% so với năm 2015, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ 
cấu.
Tính đến cuối 2016, tổng tài sản của NCB ở mức 69.035 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2015, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu.
Ngày 24/1, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) công bố kết quả kinh doanh cơ bản năm 2016. Những con số tăng trưởng so với trước khi tái cơ cấu được nhấn mạnh trong thông cáo.

Cụ thể, các mục tiêu NCB đặt ra cho năm 2016 đã được hoàn thành, với mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt về lợi nhuận.

Tính đến cuối 2016, tổng tài sản của ngân hàng này ở mức 69.035 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2015, tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu. Lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 210 tỷ đồng, tăng tới 90,9% so với năm 2015, tăng gấp 5  lần so với trước khi tái cơ cấu.

Năm qua, huy động động vốn của NCB tăng trưởng 24,9%, đạt 42.766 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với trước khi tái cơ cấu. Cho vay đạt 25.352 tỷ, tăng 24,09% so với năm 2015, tăng gấp 2 lần so với trước khi tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ xấu được dưới 2,07%, giảm 3 lần so với trước khi tái cơ cấu.

“NCB từ chỗ đứng bên bờ vực thẳm đã nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về lợi nhuận”, thông cáo của NCB viết, cũng như dẫn lý giải từ đại diện lãnh đạo ngân hàng về lựa chọn thị trường ngách, tập trung khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì “lao đầu” vào phân khúc khách hàng lớn.

“Với hình ảnh là một ngân hàng tái cấu trúc, NCB sẽ không khác gì con trâu lao đầu vào đá nếu cứ cố chạy đua giành khách từ các ông lớn, trong cả mảng bán buôn lẫn bán lẻ”, đại diện lãnh đạo NCB nói.

Cùng với kết quả kinh doanh trên, trong năm 2016 NCB đã triển khai thành công thay đổi hệ thống công nghệ phần mềm lõi (core banking). Đây là điều kiện cần thiết để hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, giúp đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ các thao tác tác nghiệp; cải thiện việc quản trị các thông tin khách hàng và sản phẩm.

NCB tiền thân là Ngân hàng Nam Việt (Navibank). Navibank những năm trước được Ngân hàng Nhà nước xác định là ngân hàng yếu kém thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu. Đầu 2014, Navibank đổi tên thành NCB hiện nay và bắt đầu tái cơ cấu. Kết quả kinh doanh 2016 vừa cập nhật như trên là chuyển biến của quá trình tự tái cơ cấu này.