“Tỷ lệ nộp thuế của Việt Nam chỉ trung bình khu vực”
Nếu loại trừ thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam chỉ vào khoảng 15,6%
“Tôi phải khẳng định ngay rằng tỷ lệ nộp thuế của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn nhiều nước”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói với VnEconomy, khi trao đổi về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc nghiên cứu giảm thuế, theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Ông nói:
- Tỷ lệ động viên từ thuế, phí của Việt Nam là khoảng 20,9% GDP. Trong khi tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011- 2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...
Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP.
Còn nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam chỉ vào khoảng 15,6%.
Bên cạnh đó, chính sách thuế của chúng ta trong những năm qua đã liên tục giảm tỷ lệ thu, nhất là sau khi tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, thì việc cắt giảm các sắc thuế còn mạnh hơn nữa.
Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách. Là người giữ cán cân cân đối thu - chi, ông giải quyết bài toán này thế nào?
Điều này đương nhiên là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của ngân sách. Để đảm bảo cân đối ngân sách, chúng tôi sẽ phải nỗ lực tìm cách khai thác nguồn để bù đắp thu như chống thất thu, chống nợ đọng, chống gian lận thuế, chống chuyển giá để bù đắp...
Khi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát huy tác dụng, tăng trưởng kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thu trở lại.
Bên cạnh đó, việc chi tiêu cũng phải hết sức tiết kiệm. Các bộ, ngành, địa phương phải thực sự có trách nhiệm với các khoản chi từ ngân sách, nhất là với những công trình đầu tư.
Kế hoạch đầu tư công phải dựa trên kế hoạch tài chính công, có như vậy mới đảm bảo được sự ổn định của việc cân đối ngân sách.
Lâu nay những thủ tục hành chính của ngành tài chính như thuế và hải quan luôn được cho rằng là tác nhân chính gây cản trở doanh nghiệp. Vì lẽ đó mà trong Nghị quyết 35, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bộ Tài chính đã thực hiện việc này như thế nào?
Tôi khẳng định rằng, nhiệm vụ cải cách thể chế tài chính, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, không phải chỉ đến khi Chính phủ có Nghị quyết 35 thì Bộ Tài chính mới thực hiện...
Như trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 vừa qua, ngành tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật, 4 nghị quyết của Quốc hội; 3 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 108 nghị định và quyết định của Chính phủ, 1.099 thông tư và thông tư liên tịch của Bộ Tài chính…
Đây là một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn, được xây dựng để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Không chỉ dừng ở đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đế sửa đổi cơ chế chính sách tài chính đã được Chính phủ, Quốc hội giao.
Về cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua chúng tôi đã có những thay đổi mạnh mẽ. Như trong lĩnh vực thuế, nếu như năm 2013 vẫn còn tới 537 giờ nộp thuế, thì đến nay chỉ còn 117 giờ, đứng top 4 của ASEAN. Đến nay cũng đã có tới 98% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Với lĩnh vực hải quan cũng vậy, chúng tôi đã triển khai thủ tục hải quan điện tử ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc; thực hiện thanh toán điện tử tại 100% cục hải quan và thời gian thông quan hàng hóa với luồng xanh trong vòng 3 giây…