15:08 12/08/2016

Vietcombank lý giải vụ khách mất 500 triệu trong tài khoản

Nhật Nam

200 triệu đồng bị rút ở Malaysia, 300 triệu chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank

Một dạng giao diện giả mạo dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Vietcombank,
 nhưng khác tên miền và dãy số xác thực không đổi khi nhập sai thông tin
 hoặc làm mới để chọn dãy số khác.
Một dạng giao diện giả mạo dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Vietcombank, nhưng khác tên miền và dãy số xác thực không đổi khi nhập sai thông tin hoặc làm mới để chọn dãy số khác.
Chiều 12/8, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức thông tin về trường hợp khách hàng Hoàng Thị Na Hương bị mất số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản mở tại ngân hàng này.

Có thể đã truy cập vào trang web giả

Vietcombank cho biết, sau khi nhận được thông báo của khách hàng, ngân hàng đã có buổi làm việc với khách hàng vào chiều ngày 11/8/2016, cùng tham gia có luật sư (do khách hàng mời).

Trên cơ sở thông tin do khách hàng cung cấp, có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm) vào ngày 28/7/2016 qua máy điện thoại cá nhân. 

Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp, sau đó tài khoản khách hàng đã bị lợi dụng vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/8/2016.

Các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia. 

Vietcombank cho biết đã xử lý các biện pháp khẩn cấp, kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác, chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank.

Tại buổi làm việc, đại diện Vietcombank đã hướng dẫn cho khách hàng tự  kiểm tra lại máy điện thoại cá nhân, và phát hiện ra địa chỉ trang web giả mạo vẫn lưu trên máy của khách hàng. Việc mất tiền trong tài khoản xảy ra bởi khách hàng bị đánh cắp thông tin tài khoản, do trước đó đã truy cập và khai báo thông tin trên đường link giả mạo website của ngân hàng như trên.

Vietcombank cũng cho biết đang phối hợp với khách hàng để làm việc với cơ quan chức năng nhằm làm rõ các đối tượng chủ mưu đã thực hiện các hành vi lừa đảo này. Khách hàng đã đồng ý sẽ cung cấp máy điện thoại có lưu đường link giả mạo để tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng.

Cảnh báo không thừa


“Nhận thấy xu hướng phát triển của tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, từ những năm 2012, Vietcombank đã thường xuyên đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử chính thức của Vietcombank với nội dung cảnh báo các giao dịch giả mạo, hướng dẫn khách hàng sử dụng an toàn các dịch vụ ngân hàng điện tử”, thông báo của Vietcombank nêu.

Từ cuối tuần qua và đầu tuần này, Vietcombank cũng liên tục có thông tin cảnh báo khách hàng qua hệ thống tin nhắn SMS và thư điện tử về rủi ro các giao dịch giả mạo, lừa đảo nói trên.

Trong những cảnh báo đó, Vietcombank lưu ý những chiêu thức lừa đảo phổ biến, những lưu ý khi sử dụng dịch vụ và khuyến nghị khách hàng chỉ đăng nhập sử dịch vụ ngân hàng điện tử trên website chính thức của Vietcombank, thường xuyên theo dõi thông tin và tuân thủ các hướng dẫn giao dịch an toàn.

“Vietcombank khẳng định hệ thống của ngân hàng luôn an toàn, bảo mật và cam kết nỗ lực tối đa trong việc hạn chế, ngăn chặn hành vi gian lận để bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng”, thông báo của Vietcombank khẳng định.