07:56 09/01/2017

VietinBank báo lãi, đón “tin vui”

Minh Đức

Lợi nhuận 2016 vượt mục tiêu, nút thắt lớn nhất tại VietinBank có triển vọng sớm được tháo gỡ

Lợi nhuận VietinBank năm 2016 đã giảm bớt lệ thuộc vào lãi, 
hoạt động và thu từ dịch vụ đã được đẩy cao hơn. Lần đầu tiên tỷ trọng 
thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã đạt mốc 20%.
Lợi nhuận VietinBank năm 2016 đã giảm bớt lệ thuộc vào lãi, hoạt động và thu từ dịch vụ đã được đẩy cao hơn. Lần đầu tiên tỷ trọng thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã đạt mốc 20%.
Ngày 9/1, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch 2017. Năm 2016, ngân hàng này cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Trao đổi với VnEconomy trước thềm hội nghị này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, năm 2016 ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 8.250 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Với 8.250 tỷ đồng, xét về con số tuyệt đối, VietinBank tiếp tục là ngân hàng thương mại dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là mức lãi không quá lớn so với quy mô vốn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn theo đó khoảng hơn 10%.

Theo ông Lê Đức Thọ, lợi nhuận năm qua dù vượt chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao (7.900 tỷ đồng), nhưng không quá vượt trội một phần do ngân hàng đã tập trung giảm lãi suất cho vay trong năm qua.

Cụ thể, tính bình quân, lãi suất cho vay trung và dài hạn của VietinBank đã giảm được khoảng 1%/năm trong năm 2016. Còn về lãi suất cho vay ngắn hạn và tài trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp, ông Thọ khẳng định VietinBank đã áp mức bình quân thấp nhất trên thị trường.

Về triển vọng lãi suất năm tới, Tổng giám đốc VietinBank dự tính, với kế hoạch tiếp tục rà soát để giảm thiểu chi phí hoạt động, tập trung xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC, trong 2017 ngân hàng có thể sẽ tiếp tục giảm được lãi suất cho vay trung dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cũng ở kết quả lợi nhuận 2016, ông Thọ cho biết cơ cấu đã giảm bớt lệ thuộc vào lãi, hoạt động và thu từ dịch vụ đã được đẩy cao hơn. Lần đầu tiên tỷ trọng thu ngoài lãi, từ dịch vụ của VietinBank đã đạt mốc 20%.

Trong năm 2016, một khó khăn, vướng mắc nổi bật tại ngân hàng này, cũng như tại những ngân hàng thương mại Nhà nước khác, là không thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ, từ thu hút nguồn lực của các cổ đông hiện hữu.

Đến cuối 2016, cả VietinBank và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đều đã lần lượt phải thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vì không chia cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (nhằm  nâng cao hệ số an toàn vốn CAR để đáp ứng các quy định hiện hành cũng như để mở rộng kinh doanh).

Trước thềm hội nghị trên, các ngân hàng thương mại Nhà nước đón thông tin Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ kế hoạch tăng vốn điều lệ của họ trong năm 2017, liên quan đến vấn đề cổ tức và ngân sách.

Trong triển vọng trên, khó khăn nổi bật tại VietinBank dự kiến sẽ sớm được tháo gỡ, vì đây là ngân hàng thương mại cổ phần đã có tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, cũng như không thể giảm thêm tỷ lệ sở hữu Nhà nước theo giới hạn đã định.

Tổng giám đốc VietinBank cũng cho biết, định hướng hỗ trợ ngân hàng tăng vốn điều lệ nói trên một mặt tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối có cơ hội tranh thủ và thu hút nguồn lực của các cổ đông hiện hữu bình đẳng như các doanh nghiệp khác; mặt khác, năng lực tài chính cải thiện sẽ giúp ngân hàng mở rộng kinh doanh, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 2017 tiếp tục có mục tiêu cao.

Mặt khác, VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV là những thành viên đang đứng trước yêu cầu tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng các chuẩn mực cao hơn trong lộ trình thực hiện Basel 2, bắt đầu cụ thể từ năm nay.