19:19 10/02/2017

Xung quanh lượng lớn nợ xấu có “yếu tố Nhà nước”

Hoàng Vũ

Nhiều khoản vay là nợ xấu được cho vay theo các chỉ định, chương trình của Chính phủ

Nếu ước chung các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn trả nợ từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ ước khoảng 6.147 tỷ đồng.
Nếu ước chung các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn trả nợ từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ ước khoảng 6.147 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, nhiều tồn tại đang được Ngân hàng Nhà nước đặt ra để tìm hướng xử lý.

Trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nợ xấu được cho vay theo các chỉ định, chương trình của Chính phủ… đang là một tồn tại.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn tồn tại một số trường hợp có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở ba ngân hàng thương mại bị mua bắt buộc, tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém.

Nợ xấu tại nhóm thành viên trên đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, nợ xấu đang tập trung chủ yếu tại các tổ chức tín dụng yếu kém, trong khi hầu hết các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài, do vậy, cần có thời gian xử lý cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng này.

Đáng chú ý, bên cạnh phần nợ xấu nói trên, theo số liệu của tổ chức tín dụng báo cáo, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mặc dù đã được xử lý quyết liệt trong thời gian qua, nhưng đến cuối năm 2015 vẫn còn lượng lớn, trên 10.090 tỷ đồng.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương cũng diễn ra phổ biến, nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện; nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản.

Nhiều khoản vay là nợ xấu được cho vay theo các chỉ định, chương trình của Chính phủ và liên quan đến nguồn trả nợ từ ngân sách cũng góp phần làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên.

“Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tiền tệ, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững”, một tài liệu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra đánh giá.

Chưa có cập nhật mới nhất, song tính đến thời điểm 31/12/2015, các khoản nợ xấu liên quan đến các khoản vay theo chỉ định của Chính phủ ước khoảng 4.267,4 tỷ đồng; các khoản nợ xấu liên quan đến nguồn trả nợ từ ngân sách nhà nước là 1.844,6 tỷ đồng; các khoản nợ xấu liên quan đến các khoản vay được bảo lãnh bởi các tổ chức chính trị, xã hội là khoảng 35 tỷ đồng.

Nếu ước chung các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn trả nợ từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ ước khoảng 6.147 tỷ đồng.