08:28 11/01/2019

Tăng liên tục 9 phiên, giá dầu đạt đỉnh 5 tuần

Diệp Vũ

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nối dài chuỗi đi lên sang phiên thứ 9 liên tiếp

Thị trường dầu đang chịu áp lực giảm từ tình trạng dư cung, nhưng được hỗ trợ bởi thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC và hy vọng về đàm phán Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.
Thị trường dầu đang chịu áp lực giảm từ tình trạng dư cung, nhưng được hỗ trợ bởi thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC và hy vọng về đàm phán Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nối dài chuỗi đi lên sang phiên thứ 9 liên tiếp. Tuy nhiên, lực tăng phiên này của giá dầu có phần yếu đi do đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa đạt kết quả rõ ràng và kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát đi những dữ liệu xấu.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,23 USD/thùng, chốt ở 52,59 USD/thùng. Mức tăng này, dù khiêm tốn, cũng đủ để đưa giá dầu WTI lên mức chốt phiên cao nhất 5 tuần.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,24 USD/thùng, chốt ở 61,68 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cả giá dầu WTI và Brent cùng tăng khoảng 5%. Đến thời điểm này, giá dầu đang có chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ mùa hè năm ngoái.

Thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm chứng khoán và dầu thô, tăng mạnh gần đây nhờ kỳ vọng Washington và Bắc Kinh sớm đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại - hãng tin CNBC cho hay.

Tuy nhiên, kết quả của vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại Trung Quốc giữa quan chức hai nước là khá mơ hồ. Tuyên bố mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra về kết quả cuộc họp không có nhiều chi tiết cụ thể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thư Năm nói với cac nhà báo rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt "thành công to lớn" trong vòng đàm phán này, nhưng không nói rõ hơn.

Trong khi đó, các dữ liệu gây thất vọng về kinh tế Trung Quốc tiếp tục khiến nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá bán buôn của Trung Quốc trong thang 12 tăng chậm nhất hơn 2 năm, một dấu hiệu về rủi ro giảm phát.

"Dữ liệu từ Trung Quốc, lạm phát yếu, và kết quả thiếu rõ ràng của đàm phán Mỹ-Trung là lý do khiến một số nhà đầu tư chốt lời sau loạt phiên tăng vừa rồi của giá dầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group phát biểu.

Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu Brent sẽ giằng co trong vùng 55-65 USD/thùng trong những tháng tới do tồn kho dầu gia tăng. Barclays nhận định "thị trường dầu sẽ trở lại trạng thái cân bằng" vào quý 2/2019.

Hôm thứ Tư, ngân hàng Morgan Stanley giảm dự báo giá dầu 2019 với mức giảm 10%, trên cơ sở kỳ vọng yếu về tăng trưởng kinh tế và nguồn cung dầu gia tăng.

Dữ liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn ở mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 4/1. Tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất cũng tăng nhanh hơn dự kiến, dù tồn kho dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến.

Từ đầu tháng này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga đã bắt đầu thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng ngày. Nỗ lực này cũng là một nhân tố quan trọng đưa giá dầu đi lên trong những phiên gần đây.