11:46 10/05/2019

Tăng nhanh tuổi nghỉ hưu, dễ gây sốc?

Lý Hà

Đây là những ý kiến đóng góp nội dung dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

"Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế - xã hội" - Ảnh: Internet.
"Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế - xã hội" - Ảnh: Internet.

Nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung lớn đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, việc sửa đổi độ tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm, nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 28/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương. Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Diễn giải cho việc nâng tuổi nghỉ hưu, ban soạn thảo cho biết, hiện Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số thay đổi theo hướng số người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của già hóa dân số, số người phụ thuộc tăng lên (với 44,4% vào năm 2019). 

Đồng thời, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Chưa kể, tuổi thọ bình quân của nam giới là 72,1 tuổi, của nữ giới là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi). 

Mặt khác, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam những năm gần đây đang tăng chậm. Theo Tổng cục Thống kê, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm, chỉ tăng thêm 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. "Lực lượng lao động không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ thiếu hụt trong tương lai. 

Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cần sớm hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trước khi Việt Nam đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số", Ban soạn thảo dẫn giải.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực, theo Ban soạn thảo, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%. 

Trước hai phương án Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ chọn phương án 1 để nhằm đảm bảo có lộ trình, giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế - xã hội tổng thể. 

"Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế - xã hội", ông Quảng nhấn mạnh và cho biết thêm, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. 

Ông Quang cho biết: "Điều băn khoăn lớn nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là quy định tuổi nghỉ hưu nữ 60, nam 62 không phù hợp với công nhân làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp, giáo viên mầm non. Hiện nay, những người lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp, không ai nghỉ hưu đúng với tuổi quy định (60 với nam và 55 với nữ). Vì thế, cần có cách tính thế nào để linh hoạt làm cho đối tượng này đảm bảo hơn".

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Dũng, chuyên gia lao động cũng chọn phương án 1. Ông Dũng lý giải, phương án 1 tăng với tốc độ chậm hơn phương án 2, thị trường lao động có cơ hội điều chỉnh thuận lợi hơn. 

"Nhưng cần tiếp tục phân tích cho kỹ, mức nâng tuổi nghỉ hưu của nam là 2 năm, nữ 5 năm thì biên độ tăng của nam thấp hơn nữ. Điều này đồng nghĩa với lao động nữ bị sức ép về tăng tuổi nghỉ hưu nhiều và phải chịu gánh nặng hơn so với nam", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28/TƯ. Đó là: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".