21:10 11/03/2019

Tăng sức đề kháng cho ngân hàng

Thanh Hải

Dù "sức khỏe" đang từng bước được cải thiện nhưng để hướng tới một hệ thống lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm

Trong nỗ lực hướng tới hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, năng lực tài chính không ngừng được tăng cường.
Trong nỗ lực hướng tới hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, năng lực tài chính không ngừng được tăng cường.

Dù "sức khỏe" đang từng bước được cải thiện nhưng để hướng tới một hệ thống lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trong nỗ lực hướng tới hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, năng lực tài chính không ngừng được tăng cường. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2018, tổng vốn tài sản có của toàn hệ thống đã đạt trên 10,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8,23%; vốn tự có của toàn hệ thống đạt trên 785 nghìn tỷ đồng, tăng 10,02%; vốn điều lệ toàn hệ thống đạt trên 570 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2017...

Trái ngược với những số liệu tích cực trên, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống ngân hàng lại cho thấy sự sụt giảm nhẹ khi chỉ đạt ở mức 12,02%, thấp hơn so với mức 12,43% vào thời điểm cuối 2017.

Cơ hội hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế

Những kết quả tích cực của ngành ngân hàng đã đang và sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. "Việt Nam đang ở vị trí vững chắc để tiếp tục phát triển trong năm 2019. Có rất nhiều cơ hội để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam", ông Nirukt Sapru Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt nhận định.

Với vị thế là một thị trường tiếp nhận nhiều vốn FDI, Việt Nam có thể được hưởng các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, cũng như có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài và được hỗ trợ trong việc thực hiện theo các thông lệ quốc tế, tăng cường khả năng của các công ty nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng tới gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ông Nirukt Sapru cho rằng, ngành ngân hàng cần giải quyết tốt 5 vấn đề đang đặt ra, gồm:

Đầu tiên, chuẩn mực đạo đức và minh bạch trong ngành ngân hàng nên tiếp tục được tập trung để phát triển môi trường kinh doanh và đóng góp tạo nên nền kinh tế toàn diện, cạnh tranh công bằng.

Thứ hai, số hóa và an ninh mạng sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhất. Trong chương trình đẩy mạnh mục tiêu số hóa và đơn giản hóa thủ tục, Chính phủ nên cho phép tự động hóa hệ thống thanh toán kết nối với các kênh trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục, chứng từ.

Thứ ba, lĩnh vực tài chính phi ngân hàng nên được quy định hợp lý, đặc biệt trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng, trong đó việc kiểm soát các yêu cầu về vốn và thanh khoản, cũng như thực tiễn thu hồi nợ đóng vai trò quan trọng.

Thứ tư, "cho vay thế chấp" nên được loại trừ ra khỏi số liệu cho vay bất động sản. Danh mục này nên được khuyến khích với mục đích cung cấp nhà ở cho người dân với điều kiện các khoản vay đó được kiểm soát hợp lý.

Thứ năm, triển khai Basel II sẽ tiếp tục cải thiện các tiêu chuẩn quản trị trên thị trường. Là một mắt xích trong quy trình này, các ngân hàng nên được chỉ định xếp hạng và hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên vốn, tỷ lệ thanh khoản và chiến lược của các ngân hàng.

Biến thách thức thành cơ hội

Dù được nhận định sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 nhưng giới chuyên môn cũng cho rằng, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với những yếu tố nội tại của ngành.

"Đối với ngành tài chính - ngân hàng, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đã được cải thiện rất nhiều nhưng an toàn vốn vẫn là một vấn đề quan ngại", ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.

Chất lượng tài sản được cải thiện do tỷ lệ nợ xấu đã giảm dần qua các năm (tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,89%). Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều biện pháp đảm bảo an toàn vĩ mô để giảm cho vay trong những lĩnh vực ít năng suất hay có tính chất đầu cơ như bất động sản, ví như: tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%; hạ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% của năm 2016 xuống 40% vào năm 2019...

Những cải cách này đã góp phần gia tăng chất lượng tài sản của ngân hàng trong khi đảm bảo các bong bóng không được hình thành trong nền kinh tế.

Không được khả quan như trên, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lại cho thấy tín hiệu không tích cực khi đã giảm dần trong các năm qua nhưng tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1.

Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh, khi CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020 (tính đến cuối tháng 11/2018, CAR của khối này ở mức 9,33%, giảm nhẹ so với mức 9,63% vào thời điểm cuối năm 2017).

Như vậy, vốn hóa các ngân hàng quốc doanh có thể sẽ là một ưu tiên; tuy nhiên, điều này có khả năng sẽ trở thành rủi ro hiện hữu khi mốc năm 2020 đang đến gần.

Trong bối cảnh thách thức vẫn đang bủa vây, giải pháp nào để giúp các định chế tài chính biến thách thức thành cơ hội? Đâu sẽ là hướng đi hiệu quả giúp các ngân hàng có thể giải quyết những khó khăn; đồng thời cũng đảm bảo cung cấp vốn hiệu quả nhất cho nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng? Giải pháp nào để các ngân hàng thương mại, đặc biệt ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tăng vốn thành công? Quản trị minh bạch thị trường tài chính tiền tệ sẽ như thế nào? Các yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường tài chính năm 2019?...

Những câu hỏi như vậy, phần nào đó sẽ tìm ra câu trả lời tại "Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2019", với chủ đề: "Đột phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức ngày 12/3, tại Tp.HCM.