16:12 22/11/2019

Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng việc làm của lao động trẻ?

Nhật Dương

Tăng tuổi nghỉ hưu không làm mất cơ hội việc làm của lao động trẻ, ngược lại điều này có thể tạo ra chất lượng việc làm tốt hơn

Cơ hội việc làm của lao động trẻ sẽ không bị ảnh hưởng khi tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa.
Cơ hội việc làm của lao động trẻ sẽ không bị ảnh hưởng khi tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa.

Theo các tính toán, tăng tuổi nghỉ hưu được cho là không ảnh hưởng đến cơ hội của lao động trẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng linh hoạt và biến đổi nhanh, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần đi liền với các chính sách sử dụng lao động có hiệu quả hơn.

Chia sẻ với VnEconomy về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, quy định tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không gây nhiều tác động xấu đến thị trường lao động, thậm chí có dấu hiệu tích cực theo hướng tăng chất lượng lao động lên.

Lý do là chúng ta có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng là những người có trình độ chuyên môn cao, lao động quản lý mà nếu để họ về hưu sớm quá thì sẽ rất lãng phí.

Từ các tính toán cũng như nhiều kết quả nghiên cứu, bà Hương nhận định việc tăng tuổi nghỉ hưu không làm mất cơ hội việc làm của lao động trẻ, ngược lại điều này có thể tạo chất lượng việc làm tốt hơn, do giới trẻ cũng có "độ giãn" dành thời gian cho học tập, tập trung nâng cao trình độ, tay nghề.

Còn về mặt an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội, việc nới rộng tuổi cũng được cho là giúp kéo dài thời gian cân đối quỹ, ít nhất là từ 3 – 5 năm. Khi thời gian đóng nhiều hơn, số người về hưu sẽ chậm lại, như vậy thời gian quỹ bị mất cân đối sẽ có thể được kéo dài hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hương thì thoạt nhìn bộ luật luật lần này đã mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh đến toàn bộ lực lượng lao động, nhưng trước mắt các chính sách lao động được thực hiện chủ yếu vẫn trong khu vực chính thức, khu vực nhà nước là chính, với tỷ lệ làm công hưởng lương hiện nay chiếm đến 40%.

Riêng khu vực FDI được cho là không tác động nhiều vì có tỷ lệ lao động trẻ cao hơn.

"Theo dự đoán của tôi nó sẽ không có tác động mạnh đến thị trường lao động, đặc biệt là tác động xấu, vì chúng ta đã có lộ trình kéo dài khi điều chỉnh", bà Hương nhận định.

Với lộ trình đó, bà Hương cho rằng, những lao động độ tuổi 40 trở lên, hay suy giảm khả năng lao động cũng không nên quá lo lắng, vì quy định mỗi năm chỉ tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ. Ngoài ra, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì pháp luật cũng cho phép người lao động được nghỉ hưu sớm hơn.

Ở phía doanh nghiệp, theo phân tích của Hương thì ở giai đoạn đầu sẽ có những tác động nhất định nhưng sẽ chủ yếu "rơi" vào nhóm doanh nghiệp nhà nước, còn khu vực tư nhân có thể không ảnh hưởng lớn do nhiều người lao động không nghỉ hưu đúng tuổi.

"Về mặt lý thuyết, trong thời gian ngắn hạn từ 3 – 5 năm, doanh nghiệp có thể chịu tác động do chưa chuẩn bị kịp, nhưng chúng ta có thể giảm tác động của việc tăng tuổi hưu bằng cách thông báo trước khi áp dụng vào năm 2021. Kinh nghiệm của nhiều nước khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đều phải làm như vậy", chuyên gia phân tích.

Lần này, bộ luật có những điều chỉnh tốt và linh hoạt hơn, giữ lại những lao động có năng suất lao động cao. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở chiều khách quan, bà Hương thừa nhận rằng bộ luật vẫn cần tiếp tục được cải thiện nhiều hơn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng linh hoạt và biến đổi nhanh.

Người lao động hiện nay có thể làm việc ở rất nhiều nơi, nhiều công việc, thậm chí vừa làm chủ vừa làm thợ, quá trình dịch chuyển lao động cũng diễn ra linh hoạt. Do đó, đi liền với tăng tuổi nghỉ hưu cần có những chính sách sử dụng lao động hiệu quả.