10:00 05/12/2018

Tập đoàn Hoa Sen và chiến lược tái cấu trúc để vươn lên

Hương Giang

Thời gian gần đây, cái tên Hoa Sen lại càng được chú ý nhiều hơn khi rơi vào "tâm bão" của cuộc chiến tăng trưởng sản lượng và giữ vững thị phần

Tập đoàn Hoa Sen hiện đang nắm giữ thị phần tôn số một Việt Nam.
Tập đoàn Hoa Sen hiện đang nắm giữ thị phần tôn số một Việt Nam.

Hoa Sen vốn được biết đến như "người khổng lồ" trong ngành tôn thép Việt. Thời gian gần đây, cái tên Hoa Sen lại càng được chú ý nhiều hơn khi rơi vào "tâm bão" của cuộc chiến tăng trưởng sản lượng và giữ vững thị phần.

Trong vòng 3 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy mới trên toàn quốc và mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ, đưa vào hoạt động 11 nhà máy ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo nên nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp cạnh tranh trên thương trường, giảm được chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Nhờ đầu tư mở rộng sản xuất, công suất của các nhà máy Hoa Sen được nâng lên gấp đôi từ 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2015 đến khi hoàn tất đầu tư đạt mức 2,5 triệu tấn/năm, trở thành công ty có nhiều nhà máy với công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen đã thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ. Tập đoàn đang sở hữu gần 500 chi nhánh trên cả nước, tăng gấp 2,5 lần so với con số 190 chi nhánh vào năm 2015. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi đôi với việc chi phí nợ vay tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tập đoàn Hoa Sen đã tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung giảm mạnh chi phí nợ vay.

Trước bài toán khó về tài chính, đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra những chính sách thiết thực, bao gồm: Thứ nhất, giảm chi phí lãi vay bằng cách giảm hàng tồn kho, định mức tồn kho ở mức tối thiểu.

Thứ hai, giảm chi phí bán hàng bằng cách tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, tối ưu hóa chi phí hoạt động của từng chi nhánh, tạm dừng việc mở thêm các chi nhánh mới nhằm đánh giá hiệu quả và phát huy năng lực các chi nhánh hiện có.

Thứ ba, tinh gọn bộ máy nhân sự, đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP nhằm tiết giảm chi phí nhân sự và quản lý bộ máy doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp.

Thứ tư, nhận thấy tiềm năng thị trường bất động sản và du lịch thời điểm hiện tại không như kỳ vọng, Tập đoàn Hoa Sen thu gọn các dự án đầu tư trái ngành bằng việc quyết định tạm dừng đầu tư các dự án bất động sản như việc chấm dứt dự án Khu du lịch sinh thái đầm Vân Hội, Yên Bái; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân, Bình Định,… đồng thời chuyển nhượng những vị trí đất dự kiến đầu tư bất động sản với mức giá có lãi để thu hồi vốn, cụ thể là chuyển nhượng bất động sản tại đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM.

Sử dụng chiến lược linh hoạt, trong thời gian ngắn Tập đoàn Hoa Sen đã giảm nợ vay từ 15.885 tỷ đồng (30/6/2018) xuống còn 12.745 tỷ đồng (tháng 11/2018) (trong một thời gian ngắn Hoa Sen đã giảm được nợ vay hơn 3.140 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018, thị phần tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen chiếm 35,2%, sản lượng tăng gần 100 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số khá ấn tượng khi nhiều năm liền Tập đoàn vẫn dẫn đầu thị phần trong ngành tôn mạ Việt Nam. Trong hoàn cảnh thị trường vô cùng khó khăn như vậy, việc tăng trưởng sản lượng, duy trì thị phần, giữ vững vị thế số 1 quả là điều không dễ dàng.

Nỗ lực không ngừng, nhìn kết quả kinh doanh của Hoa Sen trong niên độ tài chính 2017-2018, chúng ta thấy sản lượng đã vượt mốc 1,8 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng lần lượt là 13% và 32% so với niên độ trước, doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng vượt bậc. Doanh thu nội địa đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng 34%, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 538 triệu USD, tăng 27% so với niên độ trước.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ vừa qua đạt 410 tỷ đồng. Tuy không đạt được mức kỳ vọng như những năm trước nhưng đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn Hoa Sen đã đưa doanh nghiệp tăng trưởng cả về sản lượng lẫn doanh thu.

Đối với mặt hàng ống thép, Tập đoàn Hoa Sen trong nhiều năm liền vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong ngành, chiếm 17,8% thị phần (Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam 09 tháng đầu năm 2018). Sản lượng ống thép của Tập đoàn tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 36 ngàn tấn.

Không chỉ vững vàng trong ngành tôn thép, 10 năm trở lại đây người ta lại biết đến "ông vua Hoa Sen" là một trong 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất và kinh doanh ống nhựa. Hiện tại sản lượng ống nhựa tăng trưởng đáng kể đạt tới 5.000 tấn/tháng, chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng trên cả nước.

Để làm được điều đó, Tập đoàn đã đầu tư từ khâu sản xuất đến bán hàng với 3 loại ống nhựa chính: uPVC, HDPE, PPR và đầy đủ các loại phụ kiện đi kèm. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Sen có nhà máy sản xuất ống nhựa tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam được đầu tư hệ thống máy móc thiết bị đồng bộ, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định nên có thể giảm được chi phí vận chuyển, giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng theo từng khu vực. Kết hợp với hệ thống phân phối trải dài từ Bắc vào Nam, Tập đoàn đã mở rộng thị trường trên cả nước.