21:02 29/10/2018

Taxi truyền thống muốn "ba mặt một lời" với Grab

KIỀU LINH

Nếu chỉ vì coi loại hình này như taxi mà Grab bị xoá sổ thì chứng tỏ thời gian qua, Grab phát triển do hưởng nhiều lợi thế từ chính sách đem lại chứ không phải do công nghệ mang lại

Cuộc chiến giữa Vinasun và Grab vẫn chưa đến hồi kết.
Cuộc chiến giữa Vinasun và Grab vẫn chưa đến hồi kết.

Ngay sau khi Grab có công văn gửi Thủ tướng, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam (Vata) mới đây cũng gửi lên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình kiến nghị về những điểm bất hợp lý trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Văn bản do Phó chủ tịch Nguyễn Công Hùng ký kiến nghị Chính phủ cần xác định đúng loại hình và biện pháp quản lý đối với taxi, tránh đánh tráo khái niệm, cố tình ngụy biện xếp sai loại hình, gây bất bình đẳng vì lợi ích nhóm.

Vata cho rằng, từ khi có Uber, Grab, các doanh nghiệp taxi Việt Nam có những thay đổi để bắt kịp, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng. Và dù đã áp dụng phần mềm công nghệ 4.0 do Việt Nam tự sản xuất nhưng không được hưởng các điều kiện thuận lợi về điều kiện kinh doanh như Grab, do vậy, các phần mềm của taxi không phát huy được hiệu quả.

Những bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh được Vata nêu ra như: Taxi truyền thống niên hạn sử dụng xe 8 năm, trong khi đó, taxi công nghệ như Grab là 20 năm. Phương tiện taxi truyền thống 6 tháng kiểm định 1 lần, trong khi xe Grab chu kỳ kiểm định từ 1 -2 năm.

Thời gian làm việc của lái xe taxi truyền thống 8 giờ/ngày, không chạy liên tục quá 4 giờ, còn lái xe Grab thì không áp dụng. Taxi truyền thống bị cấm lưu thông một số tuyến đường còn Grab thì không…

Taxi truyền thống muốn ba mặt một lời với Grab - Ảnh 1.

Vata chỉ ra hàng loạt bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh giữa 2 loại hình.

"Chính vì những điều kiện bất bình đẳng vậy, các doanh nghiệp, Hiệp hội taxi đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ, ngành đề nghị xem xét đúng loại hình kinh doanh như Uber, Grab để đưa ra chính sách quản lý đúng với thực tế. Đến nay, qua 3 năm thí điểm với 6 lần chỉnh sửa Dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất xác định xe ôtô hoạt động như Grab là taxi công nghệ chứ không phải xe hợp đồng điện tử. Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không đơn thuần là doanh nghiệp cung cấp phần mềm. Nội dung đã được đưa vào dự thảo Nghị định và Tờ trình Chính phủ", văn bản nêu.

Vata cũng cho rằng, Grab lấy danh nghĩa bảo vệ cái mới, ủng hộ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nguỵ biện, đánh tráo khái niệm, thu lợi từ việc duy trì những điều kiện kinh doanh bất bình đẳng với loại hình taxi. 

Bên cạnh đó, Grab hưởng nhiều lợi thế từ điều kiện kinh doanh không công bằng như không chịu thuế giá trị gia tăng nên giá thành rẻ, điều này là lách luật của Grab. Việc hạ giá của Grab chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các quỹ đầu tư nước ngoài, khuyến mãi, giảm giá tràn lan vi phạm luật cạnh tranh nhằm thôn tính thị trường.

"Nếu chỉ vì coi loại hình này như taxi mà Grab bị xoá sổ thì chứng tỏ thời gian qua Grab phát triển do hưởng nhiều lợi thế từ chính sách đem lại chứ không phải do công nghệ mang lại.

Taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý.

Vì thế, rất mong Phó thủ tướng tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (trong đó có cả Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa, để tránh tình trạng "chạy chính sách", vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội", Vata kiến nghị.