Thái Lan hạ lãi suất thấp kỷ lục để “ghìm cương” đồng Baht
Thái Lan lo ngại về sức ép mà tình trạng tăng giá mạnh của đồng Baht gây ra đối với nền kinh tế
Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 6/11 có động thái cắt giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 3 tháng và tuyên bố sẽ nới lỏng quy định về dòng vốn chảy ra, nhằm hạn chế đà tăng giá chóng mặt của đồng Baht.
Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, 5 trong số 7 thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ nhất trí cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, về mức 1,25%. Động thái này phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Giới chức ở Bangkok nói với báo giới rằng Ngân hàng Trung ương Thái Lan lo ngại về sức ép mà tình trạng tăng giá mạnh của đồng Baht đặt ra đối với nền kinh tế. Ngoài hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng nới lỏng quy định về dòng vốn chảy khỏi nước này và cân nhắc có thêm các biện pháp khác để hạn chế tốc độ tăng giá của đồng nội tệ.
Đồng Baht giảm giá sau động thái trên của Ngân hàng Trung ương, có lúc giảm 0,7% trong phiên chiều tại Bangkok, còn 30,399 Baht đổi 1 USD.
Các cơ quan chức năng Thái Lan đang đẩy mạnh các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Thái Lam năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng yếu nhất 5 năm.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, đồng Baht đã tăng giá hơn 8% so với USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong số đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Đồng nội tệ mạnh gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu và thu hút khách du lịch - hai trụ cột chính của nền kinh tế Thái Lan.
Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Mathee Supapongse cho biết cơ quan này sẽ triển khai thêm các biện pháp khác nếu cần thiết và sẽ đánh giá 3 tháng một lần về tác động của nới lỏng quy định dòng vốn.
"Chúng tôi hy vọng việc hạ lãi suất và nới lỏng quy định về dòng vốn chảy ra sẽ có tác dụng làm đồng Baht yếu đi", ông Supapongse nói.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, các biện pháp này có thể không phát huy nhiều tác dụng như nhà chức trách mong muốn. "Đồng Baht tiếp tục được hỗ trợ bởi thặng dư tài khoản vãng lai lớn, trong khi việc hạ lãi suất nhỏ giọt không có nhiều tác dụng cho nền kinh tế", chuyên gia Prakash Sakpal thuộc ING nhận xét.
Thái Lan đang đối mặt nguy cơ bị đưa vào danh sách theo dõi về tỷ giá trong báo cáo sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ, nên các nhà hoạch định chính sách ở Bangkok không có nhiều dư địa để thực thi những biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiềm chế sự tăng giá của đồng Baht. Hôm 25/10, Mỹ đã có "phát súng cảnh báo" đối với Thái Lan khi tuyên bố có thể chấm dứt các biện pháp ưu đãi thương mại trị giá 1,3 tỷ USD đối với nước này.
"Rất khó để Thái Lan có thể thực thi những biện pháp có thể bị cho là thao túng tỷ giá. Bởi vậy, họ khó có thể thay đổi xu hướng tỷ giá hiện nay", nhà giao dịch Masakatsu Fukaya thuộc Mizuho Bank ở Tokyo nhận xét.
Lạm phát ở Thái Lan hiện vẫn đang yếu, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,11% trong tháng 10, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1-4% mà Ngân hàng Trung ương nước này đề ra.