07:30 10/12/2019

Thanh toán điện tử phát triển giao thông thông minh

tuyết nhi

Một thẻ E-tag có thể đi qua tất cả các trạm BOT mà tài xế không phải dừng lại để mua vé, nộp tiền như hiện nay

Hiện có khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động (E-tag)
Hiện có khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động (E-tag)

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông, như thu phí tự động không dừng; thẻ giao thông tích hợp thanh toán điện tử được coi là bước đột phá trong việc hình thành giao thông thông minh. Tuy nhiên, bên cạnh sự phối hợp của các đơn vị thu phí, đơn vị cung cấp dịch vụ, rất cần đông đảo người tham gia giao thông ủng hộ hình thức thanh toán này...

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, hiện có khoảng 800.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). 

Theo kế hoạch, tất cả các trạm thu phí đều phải triển khai làn thu phí tự động không dừng trước ngày 31/12 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Một thẻ E-tag có thể đi qua tất cả các trạm BOT mà tài xế không phải dừng lại để mua vé, nộp tiền như hiện nay.

Cần phá vỡ "thành trì" kiên cố nhất

Lý giải về việc số lượng chủ xe dán thẻ thu phí tự động chưa cao, Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ "Do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng, dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ. Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện". 

Triển khai dự án ETC giai đoạn 1 từ năm 2016, sau gần ba năm thực hiện, mặc dù đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhưng theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, lượng phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ vẫn ở mức thấp. 

Điều đáng quan ngại là, trong số những xe đã dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, quá thấp so với kỳ vọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến VETC từng đề nghị dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án.

Thời gian qua, mặc dù VETC mở nhiều hình thức dán thẻ E-tag ở các trung tâm đăng kiểm và tại 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên toàn quốc, mỗi phương tiện dán thẻ chỉ 5 phút, nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn "phớt lờ". 

"Nguyên nhân cơ bản là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân, họ cảm thấy rủi ro khi thanh toán trực tuyến vẫn là yếu tố cản trở lớn nhất", ông Vinh phân tích. Thành trì kiên cố nhất cần được phá vỡ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chính là phải thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân.

Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, các dự án phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng có quy trình quản lý, vận hành, phần mềm, phần cứng khác nhau. Khi người dân sử dụng mỗi phương thức vận tải công cộng, lại phải dùng một loại vé điện tử riêng rất bất tiện. 

Để giải quyết vấn đề trên, các thẻ vé phương tiện phải liên thông với nhau để tạo thuận tiện cho hành khách. Do đó, Tp. Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé điện tử liên thông. Theo dự kiến, tiến độ thực hiện thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng tai Hà Nội khoảng tháng 5/2020. 

Cần lộ trình bắt buộc, rõ ràng

Trước thực trạng người dân chưa mặn mà với thu phí không dừng, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, người dân chưa thấy lợi ích rõ rệt từ việc giảm ùn tắc giao thông mà ETC mang lại. 

"Kinh nghiệm các nước cho thấy, nếu muốn người dân hưởng ứng thu phí không dừng, cách làm phổ biến nhất là khuyến mại", ông Bình gợi ý. Khi ETC bắt đầu áp dụng ở Nhật cách đây 20 năm, nhờ giảm 10% phí cho xe qua trạm ETC, tỷ lệ dùng ETC tăng lên rõ rệt, phủ khắp các quận, huyện.

Trong số các nước, vùng lãnh thổ châu Á, Đài Loan có hệ thống giao thông và thu phí giao thông hiện đại. Ông Hồ Trọng Vinh cho hay, hệ thống thu phí đường bộ thực hiện thu phí đa làn không dừng, với các cổng long môn gắn thiết bị thu phí tự động, khiến xe ô tô vẫn có thể chạy đều 100km/h. Để có thành quả này, Đài Loan cũng mất nhiều năm thực hiện. 

Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị. Phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể, nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử...