09:00 23/09/2019

Thao túng thông tin trên báo cáo tài chính: Cảnh báo thêm từ nghi án FTM

Hoài Vũ

Hơn một tuần nay, vụ việc liên quan đến cổ phiếu FTM đã gây sự chú ý đặc biệt của thị trường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn một tuần nay, vụ việc liên quan đến cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân - Fortex (mã FTM - HOSE) đã gây sự chú ý đặc biệt của thị trường khi 11 công ty chứng khoán được cho là "bị hại" đã nhóm họp để bàn cách giải quyết. Cơ quan quản lý đã vào cuộc và kết quả vụ việc vẫn đang chờ theo quy trình.

Niêm yết trên HOSE vào ngày 6/2/2017, FTM đã có giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó giá FTM không có quá nhiều biến động cho đến cuối tháng 11/2018. Sau đó giá tăng khá mạnh và lên mức 25.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa năm 2019 (9/7/2019). 

Tuy nhiên, sau thời gian tăng giá mạnh là chuỗi ngày giảm giá sâu của cổ phiếu này. Theo thống kê, cổ phiếu giảm giá mạnh từ ngày 15/8  và tới ngày 20/9 đã có 26 phiên giảm sàn liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu FTM chỉ còn giá 3.710 đồng/cổ phiếu.

Ngày 4/9/2019, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại đã nhóm họp để đánh giá thiệt hại và ghi nhận những bất thường của nhà đầu tư có tài khoản cầm cố FTM ở các công ty chứng khoán để báo cáo cơ quan quản lý. 

Tại cuộc họp này, các công ty chứng khoán và ngân hàng đã đưa ra nhận định, cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM, đã từ nhiệm từ tháng 4/2019) và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.

Theo thống kê không chính thức thì 11 công ty chứng khoán này nắm tới 60% cổ phần của FTM làm tài sản cầm cố cho các khoản cho vay. Khi cổ phiếu FTM bị mất thanh khoản do giảm sàn liên tiếp 26 phiên, giảm từ hơn 24.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/8 xuống còn khoảng 4.500 đồng/cổ phiếu hiện nay, thì 11 công ty chứng khoán này đã bị mất khả năng thu hồi vốn cho vay ký quỹ. Đồng thời, vốn hóa thị trường của FTM giảm tương ứng 81% sau 23 phiên giảm sàn liên tiếp. 

Các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.

Nhóm công ty chứng khoán đã yêu cầu đại diện của FTM là ông Lê Mạnh Thường, ông Nguyễn Hoàng Giang (Chủ tịch Hội đồng quản trị mới có đơn xin từ nhiệm) sắp xếp làm việc với các công ty chứng khoán và có các phương án trả nợ chậm nhất là trước ngày 6/9/2019. 

Trong trường hợp phương án trả nợ không được thực hiện, các công ty chứng khoán dự kiến sẽ tố cáo hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM tới các cơ quan chức năng. Trong trường hợp phương án trả nợ không được thực hiện, các công ty chứng khoán dự kiến sẽ tố cáo hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM tới các cơ quan chức năng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM. Hiện các đơn vị chức năng, đơn vị liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật.

Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM.

Cũng theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.

Ông Phan Long, chuyên gia về kiểm toán, nhận định rằng: từ sự kiện FTM giảm sàn hai mươi mấy phiên và chưa có hồi kết, ta thấy điểm chung của các mã cổ phiếu giảm sàn liên tục là "Thao túng thông tin báo cáo tài chính".

Ngoại trừ YEG do "sự cố Youtube", thì các cổ phiếu còn lại không vốn ảo, thì doanh thu ảo, lợi nhuận ảo, đầu tư tài sản ảo.

Vụ việc FTM cũng gợi nhớ tới vụ việc siêu khủng DVD năm 2010 đã tốn biết bao giấy mực. Sự kiện bắt Chủ tịch Dũng với tội danh thao túng giá chứng khoán đã khiến DVD lộ rõ chân tướng. Kết quả điều tra cho thấy có đến 7 cái kho ảo.

Vụ hàng tồn kho "ảo" thì chắc chắn điển hình nhất vẫn là TTF cách đây 2 năm, hơn 1.100 tỷ đồng hàng tồn kho "biến mất". Trên báo cáo tài chính có hơn 350 tỷ đồng hàng tồn kho nhưng thực tế không tồn tại tí hàng nào.

Một nghiên cứu không chính thức cho thấy, trong một thị trường "mới nổi", gian lận báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đại chúng là rất phổ biến, tỷ lệ có thể lên đến gần 90% đối với các công ty quy mô vừa và quy mô nhỏ. Và đồng thời, những kỹ thuật gian lận và quản trị lợi nhuận tinh vi được các công ty lớn sử dụng như là các công cụ để tác động đến nhận thức và hành vi của người sử dụng Báo cáo tài chính.

Phương pháp phát hiện gian lận báo cáo tài chính luôn là thách thức lớn đối với bất kỳ chuyên gia nào trong lĩnh vực phân tích tài chính, ngân hàng tín dụng, và kế toán, kiểm toán. 

Bởi sẽ có hàng loạt các câu hỏi được đặt ra và từng đấy các câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Làm thế nào để nhà đầu tư, chuyên gia phân tích tài chính có thể biết được rằng lợi nhuận công bố trên báo cáo kết quả kinh doanh là trung thực và bền vững? tài sản trên bảng cân đối kế toán là có thật và mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai?

Làm thế nào các chuyên gia tín dụng ngân hàng có thể hiểu thực sự tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính? để ra quyết định tài trợ quan trọng. 

Làm thế nào các kiểm toán viên có thể tiếp cận thật sâu báo cáo tài chính để có thể ngăn ngừa và hạn chế rủi ro kiểm toán và đưa ra những ý kiến kiểm toán xác đáng? Làm thế nào tất cả những dấu hiệu bất thường trên báo cáo tài chính sẽ được phơi bày? Làm thế nào những người thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát công ty có thể phát hiện và ngăn ngừa những gian lận của thuộc cấp trong báo cáo tài chính?