10:24 23/11/2017

Thể chế “hết sức táo bạo” của luật đặc khu

Nguyễn Lê

Bộ trưởng đang trình bày thì được nhắc đã hết giờ, dù vấn đề đại biểu nêu ra vẫn còn nhiều

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số vấn đề của dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số vấn đề của dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Cuối chiều 22/11, sau khi nghe 24 vị đại biểu Quốc hội phát biểu, 6 vị tranh luận, và vẫn còn 45 vị đã đăng ký nhưng không đủ thời gian, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số vấn đề của dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

"Chúng tôi cảm nhận được một điều, đó là các ý kiến của các vị đều có một tư duy hết sức đổi mới, sáng tạo và kiến tạo cho phát triển. Thứ hai là có một tầm nhìn hết sức chiến lược và mang tính quốc tế cao. Thứ ba là có một tinh thần đột phá, mạnh dạn để chúng ta đưa ra những thể chế hết sức táo bạo", Bộ trưởng Dũng nhận xét.

Ông Dũng cho biết, các nội dung mang tính đổi mới, đột phá về thể chế hành chính và chính sách vượt trội được áp dụng tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại dự thảo luật được dựa trên tổng kết kinh nghiệm từ trong các bài học thất bại, thành công ở trong nước và quốc tế, cũng như sự nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn hàng đầu từ nước ngoài.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ lắng nghe một cách toàn diện và đầy đủ ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng sẽ có một luật đạt chất lượng và đảm bảo sự thành công của các đặc khu như mong muốn của quý vị đại biểu.

Sau đó, ông Dũng đã giải trình làm rõ thêm một số nội dung lớn trong dự thảo của luật nhận được nhiều sự quan tâm của các vị đại biểu.

Một luật cho ba đơn vị là phù hợp 

Về ý kiến cho rằng cần xây dựng một luật khung chung, Bộ trưởng nói, các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi. Có tiềm năng phát triển một số ngành nghề có thể cạnh tranh được với quốc tế, có đủ không gian để phát triển và tương đối biệt lập.

Chính phủ cũng đã nghiên cứu và lựa chọn kỹ lưỡng trong số 15 khu kinh tế ven biển dựa trên hệ thống 10 tiêu chí để xác định về vị trí địa lý, quy mô, các điều kiện phát triển như kết nối giao thông và có khả năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược để lựa chọn ra 3 khu vực là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để phát triển theo mô hình là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bộ trưởng cũng cho biết, kinh nghiệm của quốc tế cho thấy nhiều mô hình rất đa dạng với các tên gọi khác nhau như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, khu thương mại tự do, thành phố tự do... được điều chỉnh theo cả luật chung và luật riêng. Đồng thời cũng có mô hình ở các nước đã phát triển thành công hoặc thất bại.

"Đối với nước ta, đây là một mô hình mới và cần phải triển khai thực hiện từng bước vững chắc, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách có hạn của nhà nước. Cho nên phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng cho 3 đơn vị này là phù hợp. Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này chúng ta sẽ tiến hành tổng kết đánh giá và có thể nhân rộng những thể chế chính sách và mô hình quản lý mới hiệu lực, hiệu quả cho các khu vực khác có đủ điều kiện", Bộ trưởng giải trình.

Việc phát triển 3 đơn vị này, theo Bộ trưởng cũng sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.

Chỉ một quy hoạch 

Liên quan đến quy hoạch của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có ý kiến đề nghị làm rõ tính đặc biệt so với quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo của Luật Quy hoạch Quốc hội chuẩn bị thông qua, Bộ trưởng giải thích: chỉ có một quy hoạch tổng thể của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tích hợp các quy hoạch liên quan về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, nguồn lực, tiến độ thực hiện ... với một tầm nhìn dài hạn và là một quy hoạch cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thứ hai, luật cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia lập và tổ chức triển khai quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Thứ ba, để đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế và thuận lợi trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau này thì luật cũng quy định cho phép thuê tư vấn nước ngoài có uy tín trên thế giới để xây dựng quy hoạch.

Bộ trưởng nêu rõ, luật cũng chỉ quy định những nguyên tắc xây dựng và nội dung cơ bản của quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo sự chủ động cho nhà đầu tư chiến lược và các tư vấn quốc tế sau này để xuất lập quy hoạch phù hợp với yêu cầu của thị trường và các xu thế phát triển, định hướng phát triển cũng như các chuẩn mực của quốc tế.

Đảm bảo vượt trội 

Theo Bộ trưởng thì chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các quy định đặc thù đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã đảm bảo yêu cầu vượt trội so với các quy định áp dụng đối với các khu trong nước như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành hiện nay.

Các chính sách đó cũng đảm bảo cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, hầu hết bằng ưu đãi hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar.

"Chúng ta chỉ duy nhất kém thuận lợi hơn là về thuế áp dụng đối với một số thiên đường thuế", Bộ trưởng khẳng định.

Với băn khoăn về thời hạn cho thuê đất, Bộ trưởng nói, theo Luật Đất đai hiện hành thời hạn sử dụng đất tối đa đối với đất sản xuất trong các khu kinh tế là 70 năm. Dự thảo luật này cho thuê đất tối đa là 99 năm, chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng quyết định.

Ông Dũng trình bày đến đây thì Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc đã hết giờ, dù vấn đề đại biểu nêu ra vẫn còn nhiều.

Đây cũng là điều khá riêng của Quốc hội Việt Nam - nếu không còn đại biểu phát biểu thì nghỉ sớm, nhưng nếu còn dài (chiều 22/11 là 45 đại biểu) thì cũng cứ đúng 17h là nghỉ.