22:57 14/01/2020

Thế giới đang nợ nhiều chưa từng thấy

An Huy

Tỷ lệ nợ so với GDP toàn cầu đã lên tới 322%, vượt qua kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2016

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khối nợ khổng lồ của thế giới đã phá kỷ lục về tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP), thậm chí từ trước khi năm 2019 kết thúc, trang CNN Business cho hay.

Báo cáo mới nhất từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) được CNN trích dẫn cho thấy kỷ lục mới về nợ nần đã được thế giới thiết lập trong 9 tháng đầu năm ngoái. Tổng nợ - bao gồm nợ hộ gia đình, nợ chính phủ, và nợ doanh nghiệp - tăng thêm 9 nghìn tỷ USD trong 9 tháng, lên gần 253 nghìn tỷ USD.

Với mức nợ này, tỷ lệ nợ so với GDP toàn cầu lên tới 322%, vượt qua kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2016.

Hơn một nửa "núi" nợ này là nợ của các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu. Tỷ lệ nợ so với GDP của nhóm này ở thời điểm cuối quý 3 năm ngoái là 383%.

Trong đó, những nước như New Zealand, Thụy Sỹ và Na Uy đều có nợ hộ gia đình tăng. Tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP tại Mỹ và Australia đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Cũng theo IIF, các nền kinh tế mới nổi nợ ít hơn so với các nước phát triển, với tổng nợ của nhóm này ước đạt khoảng 72 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng ngại là tốc độ vay nợ của các nền kinh tế mới nổi ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc đang tiến gần mức 310%, mức cao nhất trong số các nước đang phát triển trên thế giới. Gần đây, giới đầu tư và chuyên gia tỏ ra cảnh giác về rủi ro nợ nần trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2017-2018, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế, nhưng mức nợ của nước này lại tăng trong 2019, IFF cho biết trong Báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu (Global Debt Monitor).

Báo cáo nói rằng mức nợ lớn như vậy là một rủi ro thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu, nhất là bởi IIF dự báo mức nợ của thế giới sẽ còn tăng cao hơn nữa trong 2020.

"Với hoạt động vay nợ trên toàn cầu được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và điều kiện tài chính nới lỏng, chúng tôi dự báo tổng nợ toàn cầu sẽ vượt mức 257 nghìn tỷ USD" trong quý 1/2020, IIF viết trong báo cáo.

Năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 3 lần, trong khi lãi suất tham chiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện vẫn đang ở mức đáy hậu khủng hoảng tài chính.

Cho dù điều kiện vay nợ hiện nay trên thế giới là khá dễ dàng, rủi ro đối với việc đảo nợ vẫn rất lớn. Ước tính của IIF cho thấy có khoảng 19 nghìn tỷ USD nợ đáo hạn trên toàn cầu trong 2020. Khó có khả năng tất cả số nợ này được đảo nợ hoặc thanh toán đúng hạn.