18:05 24/07/2012

10 nước giàu tài nguyên nhất thế giới

An Huy

Nga, Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, hay Venezuela là những cái tên không thể thiếu trong danh sách này

Nga sở hữu trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới, lên tới 47,6 nghìn tỷ m3, trị giá 19 nghìn tỷ USD.
Nga sở hữu trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới, lên tới 47,6 nghìn tỷ m3, trị giá 19 nghìn tỷ USD.
Trang 24/7 Wall St. vừa đưa ra một danh sách 10 quốc gia giàu tài nguyên nhất trên thế giới. Danh sách này được thực hiện trên cơ sở phân tích và giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia, chủ yếu tài nguyên dầu lửa, khí đốt, rừng và khoáng sản.
 
Số liệu được các nhà phân tích thực hiện danh sách lấy từ Cơ quan nghiên cứu địa chất Mỹ, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, hãng tin tài chính Bloomberg, và hãng nghiên cứu Financial Visualizations.

Nga, Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, hay Venezuela là những cái tên không thể thiếu trong danh sách này.

10. Venezuela

Tổng giá trị tài nguyên: 14,3 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 99,4 tỷ thùng (11,7 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 4,84 nghìn tỷ m3 (1,9 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): không trong top 10

Venezuela nằm trong nhóm 10 nước sở hữu trữ lượng lớn nhất các tài nguyên quặng sắt, khí tự nhiên và dầu lửa. Trữ lượng khí tự nhiên của Venezuela đứng thứ 8 thế giới, dù chỉ chiếm 2,7% nguồn cung toàn cầu. Trữ lượng dầu lửa hơn 99 nghìn tỷ thùng của Venezuela đứng thứ 6 trên thế giới, chưa tính tới trữ lượng dầu chua loại cực nặng lên tới 97 tỷ thùng.

9. Iraq


Tổng giá trị tài nguyên: 15,9 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 115 tỷ thùng (13,6 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 3,36 nghìn tỷ m3 (1,3 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): không trong top 10


Nguồn tài nguyên lớn nhất của Iraq là dầu thô, với trữ lượng đã được phát hiện là 115 tỷ thùng, chiếm 9% trữ lượng dầu lửa của toàn thế giới. Dầu của Iraq nằm trong những mỏ dễ khai thác, nhưng việc khai thác lại bị cản trở bởi bất đồng chính trị giữa Chính phủ Iraq và các bộ tộc người Kurd xung quanh quyền sở hữu các mỏ dầu. Iraq cũng rất giàu tài nguyên đá phosphate, với trị giá hơn 1,1 nghìn tỷ USD, những chưa được khai thác.

8. Australia

Tổng giá trị tài nguyên: 19,9 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng rừng (giá trị): 149,3 triệu hectare (5,3 nghìn tỷ USD)


Tài nguyên thiên nhiên giàu có của Australia nằm ở các mỏ than, đồng, quặng sắt và rừng gỗ. Đất nước này hiện có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, chiếm 14,3% toàn cầu. Ngoài ra, Australia cũng sở hữu 46% trữ lượng uranium của thế giới.

7. Brazil

Tổng giá trị tài nguyên: 21,8 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng rừng (giá trị): 485,6 triệu hectare (17,5 nghìn tỷ USD)


Nhờ có trữ lượng lớn các khoáng sản vàng và uranium mà Brazil lọt vào danh sách những nước nhiều tài nguyên nhất thế giới. Nước này chiếm 17% trữ lượng quặng sắt của thế giới, chiếm vị trí thứ hai về tài nguyên này. Kho tài nguyên giá trị nhất của Brazil là rừng, với 485,6 triệu hectare, trị giá 17,5 nghìn tỷ USD. Xếp hạng này còn chưa tính đến trữ lượng dầu lửa tiền muối (pre salt) lên tới 44 tỷ thùng mới được phát hiện gần đây của Brazil.

6. Trung Quốc

Tổng giá trị tài nguyên: 23 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng rừng (giá trị): 182 triệu hectare (6,5 nghìn tỷ USD)


Giá trị tài nguyên của Trung Quốc chủ yếu nằm ở các mỏ than và khoáng sản đất hiếm. Hai nguồn tài nguyên này chiếm tới hơn 90% tổng giá trị tài nguyên của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng có nhiều mỏ than lớn, chiếm hơn 13% tổng trữ lượng than của thế giới. Gần đây, Trung Quốc cũng đã phát hiện nhiều mỏ khí đá phiến lớn.

5. Iran


Tổng giá trị tài nguyên: 27,3 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 136,2 tỷ thùng (16,1 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 28,1 nghìn tỷ m3 (11,2 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): không trong top 10

Mỏ khí đốt khổng lồ South Pars/North Dome ở vùng Vịnh thuộc sở hữu chung của Iran và Qatar. Iran chiếm 16% trữ lượng khí đốt của thế giới, giá trị 11,2 nghìn tỷ USD. Nước này cũng sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn thứ 3 thế giới, với 136,2 tỷ thùng, chiếm hơn 10% trữ lượng toàn cầu. Tuy nhiên, do chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Iran gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên này.

4. Canada

Tổng giá trị tài nguyên: 33,2 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 178,1 tỷ thùng (21 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng rừng (giá trị): 313,6 triệu hectare (11,3 nghìn tỷ USD)


Khi chưa phát hiện các mỏ dầu cát khổng lồ, Canada có lẽ không có tên danh sách này. Trong 2 năm 2009-2010, Canada phát hiện được các mỏ dầu cát với trữ lượng lên tới 150 tỷ thùng. Hiện trữ lượng dầu lửa của Canada là 178,1 tỷ hùng, chiếm 17,8% toàn cầu, xếp thứ nhì thế giới sau Saudi Arabia. Ngoài ra, Canada còn có trữ lượng uranium lớn thứ nhì thế giới và trữ lượng rừng lớn thứ ba thế giới.

3. Saudi Arabia


Tổng giá trị tài nguyên: 34,4 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 266,7 tỷ thùng (31,5 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 7,32 nghìn tỷ m3 (2,9 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): không trong top 10


Saudi Arabia là quốc gia nắm giữ gần 20% trữ lượng dầu lửa của thế giới, nhiều hơn bất kỳ nước nào. Trên thực tế, toàn bộ giá trị tài nguyên của nước này nằm ở các mỏ dầu và khí đốt. Trữ lượng khí đốt của Saudi Arabia đứng thứ 5 thế giới về trữ lượng khí đốt đã được phát hiện. Nguồn tài nguyên dầu khí của Saudi Arabia đang cạn dần, nhưng có lẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể khai thác hết.

2. Mỹ

Tổng giá trị tài nguyên: 45 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): không trong top 10
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 8,18 nghìn tỷ m3 (3,1 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): 303 triệu hectare (10,9 nghìn tỷ USD)

Nước Mỹ chiếm 31,2% trữ lượng than đã được phát hiện của thế giới, trị giá khoảng 30 nghìn tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngoài ra, Mỹ còn có 750 triệu hectare rừng, trị giá gần 11 nghìn tỷ USD. Tài nguyên rừng và than chiếm 89% tổng giá trị tài nguyên thiên nhiên của Mỹ. Nước này cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia sở hữu nhiều nhất ở các loại tài nguyên đồng, vàng và khí tự nhiên.

1. Nga

Tổng giá trị tài nguyên: 75,7 nghìn tỷ USD
Trữ lượng dầu lửa (giá trị): 60 tỷ thùng (7,08 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng khí tự nhiên (giá trị): 47,6 nghìn tỷ m3 (19 nghìn tỷ USD)
Trữ lượng rừng (giá trị): 789 triệu hectare (28,4 nghìn tỷ USD)


Nga chính là nước giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới. Không quốc gia nào “đọ” được với Nga về tài nguyên khí đốt và tài nguyên rừng. Tuy nhiên, Nga cũng gặp nhiều khó khăn và tốn kém khi xây dựng các đường ống dẫn khí để vận chuyển khí đốt và đường ray để vận chuyển gỗ. Ngoài khí đốt và rừng, Nga có sở hữu trữ lượng than lớn thứ nhì thế giới, trữ lượng vàng lớn thứ ba thế giới, trữ lượng đất hiếm lớn thứ nhì thế giới.