09:03 15/12/2014

Abe và Abenomics đã vượt cuộc “trưng cầu dân ý”

Diệp Vũ

Cuộc bầu cử vừa diễn ra được xem là cuộc “trưng cầu dân ý” đối với chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters/BBC.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters/BBC.<br>
Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn ra ở nước này, với 2/3 số ghế. Cuộc bầu cử này được xem là một cuộc “trưng cầu dân ý” đối với chính sách kinh tế của ông Abe.

Theo tin từ BBC, với chiến thắng trên, LDP tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tại Hạ viện Nhật. Đảng này sẽ liên minh với đảng Công Minh (Komeito) để nắm quyền điều hành Chính phủ sau khi hai đảng giành được 325 ghế trong tổng số 475 ghế trong cuộc bầu cử. Trong đó, LDP giành 290 ghế còn Komeito có 35 ghế.

Đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành được 73 ghế trong cuộc bầu cử này, tăng 11 ghế so với trước đó.

Ông Abe đã kêu gọi bầu cử sớm để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri Nhật đối với chính sách cải cách kinh tế thường được gọi là Abenomics của ông.  Đắc cử Thủ tướng vào năm 2011, ông Abe đã khởi xướng Abenomics nhằm nỗ lực chấn hưng nền kinh tế đã trì trệ suốt nhiều thập kỷ của Nhật Bản. Bản chất của Abenomics là tăng mạnh chi tiêu công và in tiền để bơm vào nền kinh tế.

Sau thành công bước đầu ấn tượng của Abenomics, Nhật Bản lại rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm nay. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn tới việc kinh tế Nhật suy thoái là do việc tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% hồi tháng 4. Chủ trương tăng thuế do Chính phủ tiền nhiệm của ông Abe khởi xướng nhằm kiểm soát khối nợ công vào hàng lớn nhất trong số các quốc gia phát triển của Nhật Bản.

Sau khi kinh tế Nhật rơi vào suy thoái, ông Abe lên kế hoạch hoãn việc tăng thuế doanh thu lần hai, lên 10%, dự kiến thực hiện vào năm 2015. Ông nói việc kêu gọi bầu cử sớm là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri đối với việc hoãn tăng thuế này.

“Chính sách Abenomics của tôi mới chỉ hoàn thành một nửa”, ông Abe nói hôm qua (14/12). Thủ tướng Nhật cũng nói rằng, Chính phủ của ông sẽ không “tự mãn”.

“Tôi hiểu rằng vẫn có nhiều người chưa cảm thấy được lợi ích của Abenomics. Nhưng nhiệm vụ của tôi là mang lợi ích đến cho tất cả mọi người, và tôi tin là cuộc bầu cử sẽ làm rõ điều này”, ông Abe nói.

Nhiều người Nhật đã cảm thấy “khó hiểu” về cuộc bầu cử sớm. Không ít cử tri cho rằng, cuộc bầu cử là không cần thiết, trong khi một số khác bất bình vì cho rằng tổ chức bầu cử gây tốn kém một số tiền lớn.

Tuy vậy, với kết quả bầu cử, ông Abe đã có được điều mà ông muốn - một tỷ lệ đa số mới và thêm 4 năm cầm quyền.

Theo một số nhà quan sát, có thể ông Abe đã nhận thấy sự phản đối trong chính nội bộ LDP đối với các chính sách kinh tế của ông. Chiến thắng lớn trong bầu cử giúp ông loại bỏ sự phản đối này. Cũng có những ý kiến cho rằng, ông Abe quyết định tổ chức bầu cử để chắc chắn có thêm 4 năm cầm quyền trước khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông giảm sâu hơn.

Nhưng sự thật có là gì thì ông Abe hiện vẫn là Thủ tướng mạnh nhất ở Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây.

Câu hỏi đặt ra lúc này là ông Abe sẽ sử dụng quyền lực đó như thế nào? Ông Abe nói, ông quyết tâm thúc đẩy cải cách kinh tế. Ngoài ra, ông cũng cam kết sẽ giúp thêm nhiều phụ nữ Nhật có việc làm bằng cách thắt chặt luật chống phân biệt đối xử và đặt ra các mục tiêu về sử dụng lao động.

Về phần mình, Mỹ muốn ông Abe sẽ tiếp tục có được khả năng mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản để có thể đóng một vai trò lớn hơn trong liên minh giữa hai nước. Điều này có thể thách thức hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận căng thẳng trong năm 2015.

Báo chí Nhật cho hay, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này ở mức thấp, một phần do tuyết rơi nhiều ở một số khu vực của nước này. Theo Chính phủ Nhật, hai giờ trước khi đóng cửa các điểm bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt 35%.