16:40 24/05/2016

Báo Mỹ nêu “ý nghĩa đặc biệt” của cảng Cam Ranh

Bình Minh

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ vừa có bài viết mang tựa đề “Washington’s honeymoon in Cam Ranh Bay”

Hai tàu khu trục Nhật cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4/2016 - Ảnh: Thanh Niên.<br>
Hai tàu khu trục Nhật cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4/2016 - Ảnh: Thanh Niên.<br>
Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam, tạp chí Foreign Policy của Mỹ vừa có bài viết mang tựa đề “Washington’s honeymoon in Cam Ranh Bay” (tạm dịch: “Tuần trăng mật của Washington ở vịnh Cam Ranh”).

Trong chuyến thăm chính thức nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng với Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam.

Bài viết của Foreign Policy nhận định, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong chuyến thăm này của ông Obama là khả năng Việt Nam mở cửa cảng Cam Ranh rộng hơn cho hải quân Mỹ.

Một thỏa thuận như vậy, nếu có, sẽ cho phép hải quân Mỹ hiện diện thường xuyên hơn ở biển Đông. Sự hiện diện này là điều bắt buộc, nếu Mỹ muốn duy trì tự do hàng hải ở một vùng biển nơi một phần lớn diện tích bị Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi”.

Việc Mỹ cử tàu hải quân tới vùng biển có tranh chấp và máy bay tới vùng trời phía trên vùng biển này, cũng đồng nghĩa với tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.

Theo Foreign Policy, đó là một tuyên bố mà các quốc gia có biển cần phải đưa ra một cách thường xuyên, để bảo vệ quyền tự do hàng hải vốn phải khó khăn lắm mới giành được.

Các hoạt động như khảo sát dưới nước, bay trinh sát, tập trận... được đảm bảo bởi Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cần phải được thực hiện thường xuyên tại các vùng biển ở Đông Nam Á. Nếu các hoạt động này không được thực hiện thường xuyên, thì quyền lợi chính đáng của các nước sẽ bị mai một dần.

Trong khi đó, để duy trì sự hiện diện thường xuyên ngoài khơi, thì các tàu hải quân và hải cảnh cần phải được hỗ trợ hậu cần từ cự ly gần. Các tàu không thể hoạt động ngoài khơi xa trong thời gian dài nếu không được tiếp nhiên liệu hay hàng hóa thiết yếu.

Trong khi đó, cảng Cam Ranh vốn là một tiền đồn hải quân quan trọng kể từ khi Pháp xâm chiếm Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Qua các giai đoạn lịch sử, cảng này từng là nơi có sự hiện diện của hải quân các nước Mỹ, Nga và Nhật.

Alfred Thayer Mahan, một thuyền trưởng người Mỹ, đã giải thích lý do vì sao cảng Cam Ranh lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đối với Mahan, giá trị chiến lược của mỗi cảng biển dựa trên ba yếu tố gồm: vị trí địa lý; khả năng phòng thủ tự nhiên hoặc khả năng được trang bị để chống lại các cuộc tấn công; và nguồn lực - khả năng tự đáp ứng các nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của tàu bè tới thăm.

Và, cảng Cam Ranh lại đáp ứng tốt cả ba yếu tố này.

Thứ nhất, Cam Ranh gần với lối vào phía Đông của eo biển Malacca và gần với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, nền biển phía ngoài cảng có độ sâu lớn đột ngột, cho phép tàu ngầm lặn sâu nhanh chóng sau khi rời cảng.

Thứ hai, diện tích rộng và hình dạng của Cam Ranh cho phép phân tán tàu bè đậu trong cảng, gây khó khăn cho đối phương có mục đích tấn công.

Và thứ ba, Cam Ranh có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Không chỉ nằm cạnh các tuyến đường biển quan trọng, Cam Ranh còn cách không xa Tp.HCM. Nhờ đó, nguồn thực phẩm cung cấp cho cảng và đội tàu luôn sẵn sàng. Về mặt nhiên liệu, Việt Nam là nước có dự trữ dầu thô lớn thứ nhì trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc.