08:52 12/09/2015

Chiếc smartphone trong cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu

An Huy

Nhiều người chạy tị nạn có smartphone, và thiết bị này đang chứng tỏ một vai trò sống còn trong cuộc hành trình của họ

Giữ liên lạc trên mạng là một điều vô cùng quan trọng đối với những gia đình bị chia cắt trong quá trình di cư - Ảnh: Reuters.<br>
Giữ liên lạc trên mạng là một điều vô cùng quan trọng đối với những gia đình bị chia cắt trong quá trình di cư - Ảnh: Reuters.<br>
Khi hàng trăm nghìn người di cư đổ tới châu Âu, nhiều người trong số họ đã sử dụng công nghệ để hành trình trở nên an toàn hơn và chia sẻ những thông tin về sự sống và cái chết.

Theo hãng tin CNBC, một lượng không nhỏ người di cư Syria và Afghanistan đang dùng những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) để giữ liên lạc với gia đình và với những người đồng cảnh ngộ. Ngoài ra, họ cũng dùng dịch vụ định vị toàn cầu (GPS) trên thiết bị công nghệ này để tìm đường đi nơi xứ người.

Theo ông Paul Donohoe thuộc Ủy ban Cứu nạn Quốc tế (IRC), nhiều người chạy tị nạn có smartphone, và những chiếc điện thoại này đang chứng tỏ một vai trò sống còn trong cuộc hành trình của họ.

“Nếu họ mất điện thoại, thì đó đúng là một thách thức”, ông Donohoe nói. “Trong trường hợp đó, họ phải có một chiếc điện thoại mới để liên lạc với gia đình”.

Một dự án chụp ảnh của IRC có tên gọi là “What’s in my bag” (tạm dịch: Những thứ trong túi đồ của tôi) ghi lại những tài sản mà người di cư mang theo mình. Theo những bức ảnh chụp được, người di cư mang theo smartphone, bộ xạc và pin dự phòng. Những thứ này cho thấy tầm quan trọng của việc giữ liên lạc trong suốt chuyến đi mà ranh giới sự sự sống và cái chết là vô cùng mong manh.

Ông Donohoe nói nhiều người chạy tị nạn sử dụng các dịch vụ tin nhắn miễn phí, đặc biệt là WhatsApp, Facebook và Viber để liên lạc với người cùng đi và người thân bị tụt lại phía sau. Một số người thậm chí tự chụp ảnh (selfie) để gia đình biết họ đã tới châu Âu an toàn.

Theo ông Donohoe, IRC hiện là tổ chức cứu nạn chính có mặt trên đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi mỗi ngày có 4.000 người di cư đổ tới. GPS, một chức năng phổ biến ở hầu hết các smartphone, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiều người di cư.

“Nhờ có GPS mà họ xác định được được đi qua biên giới Hy Lạp tới Macedonia, ông Donohoe cho hay.

Ông Donohoe cũng đã gặp một người chạy tị nạn Syria bị đắm thuyền và đã bơi từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos. Người này sử dụng WhatsApp để phát tín hiệu cho lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp, đồng thời dùng GSP trên smartphone để xác định chắc chắn là mình bơi đúng hướng.

Kate Coyer là Giám đốc của tổ chức Civil Society & Technology Project thuộc Đại học Trung tâm châu Âu. Bà đã giúp đỡ người di cư ở Hungary bằng cách thiết lập các điểm phát Wi-Fi cho phép người di cư kết nối Internet. Bà đã nhấn mạnh về tầm quan trong của những chiếc smartphone đối với người di cư.

“Đa số người di cư có mang theo điện thoại di động, hoặc ít nhất có một số người trong gia đình hoặc nhóm đi cùng nhau có điện thoại. Đó là công cụ sống còn cho những người chỉ có thể mang theo rất ít vật dụng, và đánh mất hầu hết mọi thứ họ có dọc hành trình. Những chiếc điện thoại là một trong những tài sản giá trị nhất của họ”, bà Coyer nói.

Không chỉ là công cụ liên lạc hay tìm đường, những chiếc điện thoại còn cho phép người di cư chia sẻ những thông tin quan trọng về giá cả, những kẻ buôn người, và cách thức di chuyển an toàn ở châu Âu.

“Họ còn sử dụng các công cụ định vị GPS, bản đồ Google, công cụ dịch thuật trực tuyến, tra cứu thông tin tỷ giá”, bà Coyer cho hay. “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy những công cụ trực tuyến này giúp giảm một phần chi phí và nguy hiểm trong quá trình di cư. Tuy không giúp loại trừ được những kẻ buôn người, nhưng những công cụ như vậy có thể giúp người nhập cư tránh được việc bị lợi dụng trong hoàn cảnh khó khăn mà họ đang rơi vào”.

Giữ liên lạc trên mạng là một điều vô cùng quan trọng đối với những gia đình bị chia cắt. Tổ chức Chữ Thập Đỏ đã mở một website có tên Trace the Face nơi người di cư và gia đình của họ có thể tải lên những bức ảnh để giúp nối lại liên lạc.

Ngoài ra, các công dân châu Âu cũng sử dụng công nghệ và mạng Internet để giúp người di cư.

Chẳng hạn, tổ chức phi lợi nhuận có tên Welcome to Europe có website để cung cấp thông tin liên lạc cũng như những lời khuyên về pháp lý cho người chạy tị nạn và người di cư.

Một nhóm người Đức đã mở một trang web có tên Refugees Welcome để sắp xếp chỗ ở cho người di cư. Người sử dụng trang web này có thể đăng ký chia sẻ chỗ ở cho những người di cư. Kể từ khi ra đời vào tháng 11 năm ngoái, website này đã tìm được chỗ ở cho 138 người di cư, chủ yếu đến từ khu vực tiểu sa mạc Sahara và Iran.

Ngoài ra, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng đã chứng minh được vị trí quan trọng trong việc giúp người di cư liên lạc. Hàng trăm nhóm (group) trên Facebook đã được lập ra để chào đón người di cư và cung cấp cho họ những thông tin hữu ích.