08:47 11/10/2017

Chịu sức ép lớn, lãnh đạo Catalonia hoãn tuyên bố ly khai

An Huy

Thị trường tài chính toàn cầu đã “nín thở” trước bài phát biểu ngày 10/10 của ông Puigdemont

Người đứng đầu Catalonia, ông Carles Puigdemont.<br>
Người đứng đầu Catalonia, ông Carles Puigdemont.<br>
Người đứng đầu xứ Catalonia, ông Carles Puigdemont, ngày 10/10 đã hoãn việc tuyên bố tách xứ này khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập. Dù khẳng định kết quả cuộc trưng cầu dân ý là cử tri chọn ly khai, ông Puigdemont nói sẽ dành thời gian để đàm phán với Chính phủ ở Madrid về tương lai của Catalonia.

Theo tin từ Reuters, bài phát biểu của ông Puigdemont trước Nghị viện của xứ tự trị Catalonia đã gây thất vọng cho hàng nghìn người muốn độc lập đang tập trung bên ngoài. Kể từ sau cuộc bỏ phiếu cách đây 10 ngày, những người ủng hộ Catalonia trở thành một nước cộng hòa đã nuôi hy vọng Nghị viện phê chuẩn một lời tuyên bố độc lập đơn phương.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, hoặc ít nhất là chưa xảy ra vào ngày 10/10, trong bối cảnh ông Puigdemont phải đối mặt với sức ép từ mọi phía. Chính phủ Tây Ban Nha đã cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn, bao gồm khả năng xóa bỏ quyền tự trị của Catalonia và theo đó đưa xứ này về dưới sự quản lý từ Madrid, nếu ông Puigdemont cứ nhất quyết ly khai.

Cả Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều đã kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bác bỏ đề nghị của ông Puigdemont muốn Liên minh châu Âu (EU) đứng ra hòa giải giữa Barcelona và Madrid, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ Tây Ban Nha có thể giải quyết tình hình.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính quyền Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha đã kéo dài kể từ khi xứ này tiền hành trưng cầu dân ý về ly khai vào hôm 1/10, cuộc bỏ phiếu bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên là bất hợp pháp. Chỉ có 43% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu, nhưng 90% chọn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một nước độc lập.

Phát biểu trước Nghị viện Catalonia ngày thứ Ba, ông Puigdemont nói kết quả này thể hiện ý chí muốn độc lập của người dân.

“Tôi nhận thấy ý chí muốn Catalonia trở thành một nhà nước độc lập dưới dạng một nước cộng hòa”, ông Puigdemont nói và nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng kéo dài của các nghị sỹ trong tòa nhà Nghị viện được cảnh sát Catalonia bảo vệ nghiêm ngặt. “Tôi đề nghị tạm hoãn tuyên bố độc lập để tiến hành đàm phán trong những tuần tới nhằm tìm ra một giải pháp được các bên đồng thuận”.

Sau đó, ông Puigdemont và các chính trị gia khác của Catalonia ký vào một văn kiện tuyên bố “chủ quyền toàn diện” cho xứ này, nhưng không rõ liệu động thái này có giá trị pháp lý nào hay không.

Vụ Catalonia là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ âm mưu đảo chính quân sự bất thành hồi năm 1981. Theo dự kiến, Chính phủ của Thủ tướng Rajoy sẽ có một cuộc họp vào ngày thứ Tư để bàn các bước đi tiếp theo đối với Catalonia.

Thị trường tài chính toàn cầu đã “nín thở” trước bài phát biểu ngày 10/10 của ông Puigdemont. Sau bài phát biểu, các chỉ số chứng khoán chính của thế giới đồng loạt tăng điểm, trong đó thị trường Phố Wall lại lập kỷ lục mới trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự trì hoãn của ông Puigdemont có thể kéo dài tình trạng bất ổn và làm gia tăng rủi ro từ cuộc khủng hoảng Catalonia.

Cuộc khủng hoảng này đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc ở Catalonia cũng như trên toàn Tây Ban Nha. Các cuộc thăm dò dư luận trước trưng cầu dân ý cho thấy chỉ có khoảng 40% người dân xứ miền Bắc Tây Ban Nha này muốn độc lập.

Lợi ích của Madrid trong việc giữ Catalonia là rất lớn. Nếu mất quyền kiểm soát Catalonia, vùng có ngôn ngữ và văn hóa riêng, Tây Ban Nha sẽ mất đi 1/5 sản lượng kinh tế và hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu.

Đối với Catalonia, thiệt hại cũng đã bắt đầu hiện rõ. Một loạt công ty lớn đã tuyên bố rời trụ sở khỏi xứ này do lo ngại bất ổn leo thang.