11:17 14/10/2016

Điều gì đang chờ Thái Lan sau khi vua Bhumibol qua đời?

An Huy

Thủ tướng nước này cảnh báo trừng trị bất kỳ ai lợi dụng tình hình để gây rắc rối

Người dân Thái Lan đau buồn sau khi nghe tin nhà vua Bhumibol qua đời ngày 13/10 - Ảnh: EPA/BBC.<br>
Người dân Thái Lan đau buồn sau khi nghe tin nhà vua Bhumibol qua đời ngày 13/10 - Ảnh: EPA/BBC.<br>
Việc thiết lập một chính quyền dân sự ở Thái Lan có thể bị trì hoãn sau khi nhà vua nước này Bhumibol Adulyadej băng hà. Trước mắt, chính quyền quân sự Thái Lan có thể sẽ nỗ lực để duy trì an ninh và đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực hoàng gia diễn ra êm thấm.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN, GS. Pavin Chachavalpongpun thuộc Đại học Kyoto nhận định rằng vua Bhumibol là đỉnh tháp của hệ thống chính trị Thái Lan, cho dù chính đảng nào nắm chính phủ ở nước này.

“Các bạn không thể hình dung ra đất nước Thái Lan không có vua Bhumibol, vị vua kính yêu của chúng tôi”, ông Pavin, một người Thái Lan, nói.

Được xem là nhân tố đoàn kết ở một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về chính trị với 20 cuộc đảo chính cả thành công và bất thành trong 70 năm trị vì, nhà vua Bhumibol đã qua đời tại một bệnh viện ở Bangkok ngày 13/10, hưởng thọ 88 tuổi.

Chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố thời gian để tang vua Bhumibol là một năm, khiến thời điểm tổ chức cuộc tổng bầu cử đầu tiên ở Thái Lan kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014 trở nên khó đoán biết hơn bao giờ hết.

Hồi tháng 8, ông Prayuth nói tổng bầu cử sẽ được tổ chức trong năm 2017. Nhưng để bầu cử được tiến hành, luật bầu cử cần phải được soạn thảo và các điều khoản sửa đổi cần được đưa vào bản hiến pháp mới mà người dân Thái Lan bỏ phiếu nhất trí vào hôm 7/8.

“Với tất cả những công việc cần phải làm như vậy, thì thời gian để tang nhà vua sẽ làm gián đoạn kế hoạch bầu cử, và có thể khiến ngày bầu cử bị lùi sang năm 2018”, chuyên gia Christian Lewis thuộc Asia Eurasia nhận định.

Theo giáo sư Pavin, việc đưa thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi cũng sẽ là một nhân tố ảnh hưởng đến thời điểm tổ chức bầu cử.

“Cung điện hoàng gia cùng với chính quyền quân sự cần đảm bảo rằng sự chuyển giao quyền lực hoàng gia diễn ra êm ái. Nếu quá trình này trôi chảy, thì bầu cử có thể diễn ra như kế hoạch”, ông Pavin phát biểu.

Thái tử Vajiralongkorn chưa có được sự yêu mến của người dân Thái Lan như tình cảm dành cho vua cha của ông. Vị thái tử từng 3 lần ly hôn này có khá nhiều tai tiếng xung quanh đời sống riêng tư “màu mè”, nhưng ông Lewis cho rằng chính quyền quân sự sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại của người dân.

“Chính phủ Thái Lan có lợi ích ở giai đoạn này trong việc làm đẹp hình ảnh và uy tín của thái tử để người dân ủng hộ ông ấy”, ông Lewis phát biểu.

Sáng ngày 14/10, Thủ tướng Prayuth tuyên bố ưu tiên hàng đầu hiện nay của ông là vấn đề an ninh và kêu gọi các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư không bán tháo cổ phiếu. Các ngân hàng và thị trường tài chính Thái Lan vẫn mở cửa bình thường trong ngày thứ Sáu.

An ninh đã được tăng cường ở Bangkok, trong khi ông Prayuth cảnh báo nghiêm khắc trừng trị bất kỳ ai lợi dụng tình hình để gây rắc rối.

Mấy ngày trước khi vua Bhumibol qua đời, thị trường chứng khoán và tiền tệ Thái Lan đã biến động mạnh do những lo ngại của giới đầu tư về sức khỏe nhà vua. Kể từ hôm 7/10, chỉ số SET của thị trường chứng khoán Thái Lan đã giảm 6%, trong khi đồng Baht Thái mất giá khoảng 2% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Giới phân tích dự báo tỷ giá đồng Baht sẽ tiếp tục biến động trong ngắn hạn và người tiêu dùng nước này có thể cắt giảm chi tiêu, nhưng nếu quá trình chuyển giao quyền lực hoàng gia diễn ra êm xuôi, thì nền kinh tế Thái Lan sẽ ít khả năng phải đối mặt với sự xáo trộn lớn về kinh tế - công ty nghiên cứu Eurasia Group nhận định trong một báo cáo.

Một bài viết của hãng tin Reuters cũng cho rằng với sự siết chặt kiểm soát của chính quyền quân sự, Thái Lan có thể tránh được những biến động kinh tế kéo dài vốn thường đi kèm với những lần chuyển giao quyền lực ở nước này.

Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan mới chỉ khởi sắc gần đây sau một thời gian suy giảm vì cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan tăng 3,5%, mạnh nhất trong 3 năm, nhưng vẫn thua tốc độ tăng của các nền kinh tế láng giềng trong khu vực.